1. Thức ăn không lành mạnh
Nhiều ông bà cho rằng một trong những cách đối xử tốt nhất với cháu là mua hoặc làm những đồ ăn cháu yêu thích nhưng không được bố mẹ cho phép. Những loại thực phẩm đó có thể là đồ ăn nhanh, nước có ga, đồ ngọt, vốn thường được khuyến cáo không tốt cho sức khỏe của trẻ.
2. Tặng nhiều quà trong các dịp lễ
Ông bà thường thích tặng nhiều quà cho cháu trong các dịp lễ, Tết. Điều này xuất phát từ thực tế trong quá khứ, có thể do hoàn cảnh, họ không chu cấp được đầy đủ cho con cái và muốn bù đắp cho cháu. Hơn nữa, vì biết là không thể mang theo tiền sang thế giới bên kia, ông bà thường có xu hướng dành hết tiền bạc cho những người thân yêu.
Tuy nhiên, những món quà đắt tiền sẽ gây tác động tiêu cực đến trẻ. Một số em có thể đặt nặng vấn đề vật chất hơn giá trị tinh thần, số khác nảy sinh cảm giác không hứng thú với các món quà vì được tặng quá nhiều.
3. Hối lộ trẻ
Hối lộ các đồ vật, thức ăn trẻ yêu thích thường được ông bà sử dụng như chiêu thức thao túng khiến trẻ cư xử ngoan ngoãn hơn. Chẳng hạn, họ thường nói: "Nếu cháu ăn rau, lát nữa bà sẽ cho cháu ăn bánh quy". Những cách hối lộ như vậy thường đem lại lợi ích tức thời nhưng phản tác dụng về lâu dài.
4. Quà tặng đắt tiền
Không chỉ mạnh tay mua quà trong các dịp lễ, Tết, nhiều ông bà sẵn sàng vung tiền để đáp ứng mong muốn của cháu. Từ đó, trẻ sẽ hiểu rằng ông bà mua những món quà mà cha mẹ chúng không cho phép. Không quan tâm lý do hay phớt lờ giá trị tình cảm trong những món quà, trẻ có thể xem ông bà như "nguồn tài nguyên vô tận".
5. Giúp trẻ làm bài tập về nhà
Khi bố mẹ bận rộn, ông bà thường thay họ giám sát việc làm bài tập của cháu. Tuy nhiên, làm bài tập về nhà có thể chưa phải hoạt động quan trọng như việc dành thời gian vui chơi bên con cháu nên ông bà rất dễ buông lỏng giám sát. Các em có thể chưa cần làm bài tập về nhà ngay lúc đó hoặc sẽ được ông bà giúp hoàn thành nhanh hơn để dành thời gian vui chơi.
6. Bao bọc trẻ
Nhiều đứa trẻ đã hết tuổi được ẵm bế nhưng vẫn luôn được ông bà bế bồng đi khắp mọi nơi. Hoạt động này có thể bắt đầu như niềm vui được chăm sóc con cháu ở ông bà, nhưng lâu dần sẽ phát triển thành thói quen xấu ở trẻ.
Dù đi thang bộ, thang máy hay đi dạo, những đứa trẻ sẽ liên tục ăn vạ, khóc lóc để đòi được ông bà bế như mọi lần. Các em còn nhỏ nên chưa nhận thức rõ rằng lưng của ông bà yếu hơn lưng của cha mẹ hay việc các em đã hết tuổi được bế ngửa. Nếu ông bà không đành lòng nhìn cháu ăn vạ, họ sẽ chiều theo yêu cầu của chúng. Dần dần, trẻ lại hình thành thói quen rằng chỉ cần khóc lóc, làm nũng, chúng sẽ được ông bà đáp ứng mọi nhu cầu.
7. Cho phép sử dụng công nghệ
Có nhiều lý do để ông bà cho phép các cháu sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ như TV, điện thoại thông minh. Đầu tiên, ông bà không am hiểu công nghệ như những đứa cháu nên các em có thể dạy ông bà thao tác, tính năng hay cách sử dụng. Một lý do khác là việc đắm chìm trong công nghệ giúp trẻ ngồi ngoan hơn. Ông bà sẽ không phải chạy theo quản lý và có thể dành thời gian cho những giấc ngủ ngắn.
Cách giải quyết vấn đề
1. Nói chuyện với ông bà
Phụ huynh nên ngồi lại với cha mẹ, nói rõ hành động của họ khiến bạn cảm thấy như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến trẻ. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế nhiều phụ huynh không muốn đối đầu trực tiếp với ông bà hoặc tin rằng họ sẽ hiểu cho mình. Tuy nhiên, nếu không giải thích rõ quan điểm của đôi bên, bạn và cha mẹ sẽ không thể thống nhất phương pháp giáo dục trẻ.
2. Đặt ranh giới
Bạn là cha mẹ và khi con bạn còn nhỏ, mọi điều liên quan đến trẻ đều do bạn quyết định. Nếu bạn nghĩ rằng con mình nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, không nhận một số món quà nhất định, hãy nói rõ với ông bà những nguyên tắc này. Đồng thời, hãy bộc lộ hy vọng ông bà sẽ tuân theo quy tắc, ủng hộ bạn trên con đường làm cha mẹ.
3. Là người lắng nghe
Hãy trở thành người biết lắng nghe và đánh giá cao sự quan tâm của ông bà dành cho trẻ. Nếu cha mẹ không đồng ý với bạn, nên giữ bình tĩnh và không quá bảo thủ. Bạn nên lắng nghe quan điểm của họ như cách họ lắng nghe mong muốn của bạn và giải thích tại sao phương pháp của bố mẹ không hợp lý. Đừng quên cảm ơn ông bà vì tình yêu họ dành cho con cháu.
4. Làm việc với bên thứ ba
Nếu cuộc nói chuyện tay đôi không thành công, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của bên thứ ba. Họ có thể là người thân, người bạn, nhà trị liệu tâm lý. Ý kiến từ người ngoài cuộc thường khách quan, công bằng hơn và đáng giá để tham khảo.
5. Hạn chế giao tiếp
Nếu tất cả phương án trên không hiệu quả, việc để con hạn chế giao tiếp với ông bà có thể là một lối thoát. Hoặc bạn có thể ở cạnh con khi con chơi với ông bà để điều chỉnh những quyết định không phù hợp.