Kháng insulin xảy ra khi tế bào trong cơ thể phản ứng kém với insulin. Đây là hormone do tuyến tụy sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách giúp các tế bào hấp thụ glucose (đường) trong thực phẩm để tạo ra năng lượng.
Ở giai đoạn đầu, tình trạng kháng insulin rất khó phát hiện do không có triệu chứng đặc trưng. Nhiều người không nhận ra mình có tình trạng này cho đến khi xét nghiệm máu. Ở giai đoạn muộn, kháng insulin có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2.
Theo Health, mọi người có thể phát hiện sớm tình trạng này thông qua những dấu hiệu sau.
Đường huyết cao
Đường huyết cao (hay nồng độ glucose trong máu cao) thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu tình trạng kháng insulin.
Mọi người chỉ có thể phát hiện ra tình trạng đường huyết cao thông qua xét nghiệm hemoglobin A1C để kiểm tra lượng đường trong máu cao và đo lượng đường trong máu trung bình trong 3 tháng qua.
Cholesterol cao
Insulin giúp cơ thể sử dụng và lưu trữ chất béo và cholesterol một cách cân bằng. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể cho kết quả về lượng cholesterol trong cơ thể. Nếu có một trong 3 kết quả: tăng triglyceride (mỡ máu), tăng cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt), bạn có thể đang mắc tình trạng kháng insulin.
Tăng cân
Khi có tình trạng kháng insulin, cơ thể bạn sẽ khó sử dụng đường làm năng lượng hơn, dẫn đến lượng glucose trong máu cao hơn. Để phản ứng lại hành động này, cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin hơn để bù đắp cho lượng đường trong máu cao. Lượng hormone dư thừa này có thể gây tích mỡ, đặc biệt là vùng quanh eo, dẫn đến tăng cân.
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng đặc trưng của tình trạng kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường. Kháng insulin khiến cơ thể khó hấp thụ glucose để tạo năng lượng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
Ngoài ra, tình trạng này có thể gây ra những thay đổi bất thường ở lượng đường trong máu. Điều này cũng góp phần khiến mọi người thấy mệt mỏi hơn.
Đi tiểu thường xuyên
Đây là phản ứng cơ thể đang cố loại bỏ lượng glucose dư thừa, cũng là triệu chứng phổ biến của tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường.
Khi lượng glucose cao, thận phải tăng cường làm việc để loại bỏ lượng glucose dư thừa ra khỏi máu. Thông thường, glucose được lọc ra khỏi máu và vào thận, sau đó thận sẽ hấp thụ lại đường vào máu.
Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu cao liên tục, thận không thể hấp thụ lại glucose nên đẩy vào nước tiểu. Điều này dẫn đến tình trạng tăng sản xuất nước tiểu trong cơ thể khiến nhiều người bệnh đi tiểu thường xuyên.
Khát nước
Khi dư thừa đường trong máu, mọi người đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến cơ thể mất nhiều chất lỏng hơn qua nước tiểu. Việc đi tiểu thường xuyên khiến bạn có cảm giác khát để bù lại lượng nước đã mất.
Ngứa lòng bàn chân
Lượng đường trong máu cao có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên, một tình trạng gây tổn thương thần kinh. Trong hầu hết trường hợp, tổn thương thần kinh thường bắt đầu ở bàn chân và gây ra cảm giác ngứa ran, tê như bị kim châm.