Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ nghĩa là bệnh chỉ xuất hiện trong thai kỳ của mẹ. Sau khi em bé được sinh ra, bệnh tiểu đường sẽ biến mất.
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể sinh ra một em bé hoàn toàn khỏe mạnh với sự giúp đỡ của bác sĩ và thông qua những việc đơn giản mẹ làm trong suốt thai kỳ, để kiểm soát lượng đường trong máu, còn gọi là đường huyết.
Tuy nhiên, bệnh vẫn tiềm tàng một số nguy cơ gây biến chứng như: tiền sản giật, thai nhi to dẫn đến tăng nguy cơ sinh mổ.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ
Khi mẹ mang thai, nhau thai sẽ tạo ra các hormone nuôi dưỡng bào thai. Các hormone này có thể dẫn đến sự tích tụ glucose trong máu của mẹ bằng cách tác động vào hormone Insulin.
Theo chức năng sinh học, tuyến tụy sẽ đảm đương nhiệm vụ tạo insulin để đưa glucose trong máu vào tế bào, cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Các kích thích tố tiết ra từ nhau thai sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng này, làm cho glucose không vào được tế bào, đường máu của mẹ tăng cao.
Mẹ bầu nào có nguy cơ xuất hiện tiểu đường thai kỳ?
Tỉ lệ bà bầu mắc tiểu đường thai kì dao động từ 2% đến 10% trong số các bà mẹ mang thai mỗi năm. Mẹ có nhiều khả năng bị tiểu đường thai kỳ nếu:
Thừa cân, béo phì trước khi có thai.
Người Mỹ gốc Phi, Châu Á, Tây Ban Nha hoặc người Mỹ bản địa: có nguy cơ cao hơn so với các tộc người khác.
Tiền sử có lượng đường trong máu cao, nhưng không đủ cao để xác định mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai.
Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
Đã từng bị tiểu đường thai kỳ trước đây.
Bệnh huyết áp cao.
Đã sinh ra em bé nặng cân trước đó (lớn hơn 4.5 kg).
Đã sinh ra em bé bị chết non hoặc bị dị tật bẩm sinh.
Chẩn đoán bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ dựa vào những chỉ số nào?
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra trong nửa sau của thai kỳ. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem mẹ có bị tiểu đường thai kỳ hay không vào giữa tuần 24 và 28 của thai kỳ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kiểm tra sớm hơn nếu mẹ có những yếu tố nguy cơ cao.
Để kiểm tra bệnh tiểu đường, mẹ bầu phải thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose. Mẹ sẽ uống 1 dung dịch đường có nồng độ nhất định. Khoảng 1 giờ sau, bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu để xem cơ thể mẹ xử lý tất cả lượng đường đó như thế nào.
Nếu kết quả cho thấy lượng đường trong máu của mẹ cao hơn một mức cho phép (130 mg/dL hoặc cao hơn, một số nơi có thể chọn mức 140 mg/dL), lúc này bác sĩ sẽ nghi ngờ bệnh tiểu đường và cần thực hiện thêm xét nghiệm khác.
Xét nghiệm dung nạp glucose được thực hiện vào một ngày khác, mẹ được kiểm tra đường huyết lúc đói (nhịn ăn trước đó 8 tiếng), tiếp theo sẽ uống dung dịch đường theo yêu cầu và đo đường huyết sau đó 3 giờ. Nếu kết quả vượt ngưỡng cho phép, mẹ đã mắc bệnh, ngược lại sẽ cần theo dõi thêm.
Lưu ý, khi đi xét nghiệm bệnh tiểu đường, tốt nhất nên đi vào buổi sáng, không ăn sáng và tuyệt đối không ăn trong khoảng thời gian từ khi được uống dung dịch đường đến khi lấy máu xét nghiệm.
Dấu hiệu bà bầu bị tiểu đường
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc bị trùng lắp với các dấu hiệu thai nghén khác. Hầu hết chỉ phát hiện thông qua các xét nghiệm sàng lọc, thăm khám thường xuyên trong suốt thai kỳ.
Dấu hiệu bà bầu bị đái tháo đường chỉ xuất hiện rõ và đầy đủ khi bệnh đã vượt ngoài tầm kiểm soát như:
- Mẹ cảm thấy khát nước nhiều.
- Mẹ cảm thấy đói và ăn rất nhiều.
- Mẹ cần đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Bác sĩ sẽ điều trị cho bà bầu bị đái tháo đường như thế nào?
Để điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ thực hiện một số yêu cầu sau:
Kiểm tra mức đường huyết của mẹ hàng ngày.
Làm xét nghiệm ceton niệu.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học.
Theo dõi mức độ tăng cân và tiêm insulin hoặc sử dụng một loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ.
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu mẹ biết cách kiểm soát đường huyết, huyết áp và cân nặng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, mẹ sẽ vượt qua thai kỳ dễ dàng và sinh con khỏe mạnh.
Nguồn: https://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes-guide/gestational-diabetes#1