Tôi vừa kết thúc trận tranh luận nảy lửa với chồng chiều qua, về việc tại sao anh ấy luôn có lý do để bận rộn mỗi khi tôi cần người trông con, cần ai đó làm bớt việc nhà, hay đơn giản là cần người cùng mình đi xem phim, đi ăn một món mới nào đó. Chồng tôi thốt lên: “Em sẽ không bao giờ hiểu được thế giới đàn ông, vì em là phụ nữ”. Được thôi, vì tôi là phụ nữ, nên tôi thấy quả thật đàn ông hầu như luôn là những kẻ ngụy biện, ngụy biện cho sự vô tâm và ích kỷ của mình.
Đàn ông, trước tiên họ luôn là những người đi làm sớm và về nhà sau cùng, với lý do nghe có vẻ rất cao cả: “giao lưu với đối tác vì công việc”. Theo đó, họ đi nhậu là vì công việc, họ đi chơi với anh em là vì công việc, thậm chí ngồi nhà chơi game online với chiến hữu cũng là vì công việc. Nếu người vợ nào có trót căn vặn, cằn nhằn, ngay lập tức sẽ bị quy kết rằng “không rộng lượng”.
Đàn bà ấy mà, sao hiểu được sự giao thiệp của đàn ông. Mỗi buổi nhậu, mỗi lần nâng ly, mỗi trận game… đều là vì sự nghiệp, cao hơn nữa là vì sự đủ đầy no ấm của vợ con. Rằng thì những người vợ chẳng thấu hiểu nỗi vất vả của chồng, khi cứ đòi hỏi một người chồng vừa biết kiếm tiền vừa có đủ đầy thời gian dành cho gia đình.
Nhưng ngược về cái quan niệm đàn ông muốn kiếm tiền là phải đi nhậu, phải đi chơi, phải giao lưu online lẫn offline với nhau đó, tôi thấy nó chỉ là ngụy biện. Chồng của người phụ nữ này tụ tập cùng chồng của người phụ nữ kia, và phân trần với vợ rằng thực ra họ chẳng muốn thế một chút nào, họ muốn về nhà ngồi vào mâm cơm nóng hổi với vợ con chứ chẳng phải dô hò nâng ly trong quán nhậu, họ muốn chui vào chăn ấm đi ngủ chứ chẳng phải khoanh chân lên ghế cày game…
Nhưng rồi chính những người đàn ông cùng tụ tập với họ ấy cũng sẽ phân trần với vợ của họ rằng họ chẳng muốn thế một chút nào. Vậy thì ai ép ai? Chẳng ai ép họ cả. Chính họ tạo ra quan niệm đầy vô lý ấy như một cách ngụy biện cho sự ích kỷ của mình, cho những bữa cơm vắng mặt, cho những chiếc giường trống trải một bên, cho những lần về muộn, cho những phút vợ thiếu chồng, con thiếu bố.
Cách đây rất lâu, tôi từng đọc được một câu khiến mình rất tâm đắc: “Người muốn làm việc lớn, trước tiên phải biết làm việc nhỏ”. Có vẻ như rất nhiều người đàn ông quên điều đó, khi họ muốn chinh phục cả thế giới mà chẳng đủ kiên nhẫn trông con 10 phút, chẳng thể tự rửa dù chỉ một cái thìa, chẳng đủ ý thức để vứt một chiếc áo bẩn vào máy giặt thay vì vo tròn quẳng đâu cũng được.
Một người bạn của tôi phàn nàn rằng vợ anh ta luôn cằn nhằn việc chồng không bao giờ chịu làm một chút xíu việc nào trong nhà, không chịu dành thời gian chơi cùng con. Theo anh, nấu cơm, rửa bát, quét nhà là chuyện vớ vẩn, chuyện của phụ nữ. Đàn ông là người sẽ leo lên mái nhà khi nhà dột, sẽ sửa hệ thống điện khi trục trặc… to tát và nghiêm trọng biết bao nhiêu. Nhưng thử hỏi, mái nhà bao lâu mới dột một lần? Thay chiếc bóng điện mất bao nhiêu công sức?
Trong khi cơm ngày nào cũng phải ăn, quần áo ngày nào cũng phải giặt, nhà ngày nào cũng phải lau, con mỗi ngày mỗi lớn, càng thêm bận rộn nhiêu khê. Những việc mà đàn ông cho là nhỏ nhặt ấy lại là những việc thiết yếu cho cuộc sống, mà nếu thiếu, chính anh ta cũng không chịu được. Vậy thì việc nào mới là việc vớ vẩn, thưa các anh?
Khi yêu nhau, đàn ông luôn thề thốt sẽ trao cả cuộc đời mình cho người phụ nữ anh ta theo đuổi. Nhưng sau khi cưới, cũng chính đàn ông luôn đòi hỏi có thế giới riêng của mình. Anh ta vô tâm không biết rằng, để anh ta có thể bảo toàn được thế giới riêng bất khả xâm phạm, thế giới riêng của người vợ sẽ bị cắt đi một chút, xén đi một chút mỗi ngày, đến khi chẳng còn gì.
Người phụ nữ sau khi kết hôn cam tâm vứt bỏ thế giới riêng của mình, dành toàn bộ quỹ thời gian và tâm trí cho gia đình, trong khi hầu như đàn ông chẳng mảy may nhón tay bỏ một chút thời gian riêng của mình vào quỹ thời gian chung ấy. Hai người sống trong một gia đình, người này bo bo giữ thì người còn lại phải bỏ ra toàn bộ. Thời gian chẳng như tiền bạc có thể kiếm lại, mua lại được. Người phụ nữ mất đi những năm tuổi xuân, mất đi sự thảnh thơi, mất đi sự nhẹ nhõm… mãi mãi không có gì bù đắp lại được.
Tôi ghét vô cùng mỗi khi đàn ông biện hộ cho các thói xấu của mình bằng câu: “Đàn ông phải thế”. Những chuẩn mực vô lý ấy ở đâu ra, chẳng phải do chính đàn ông tạo ra để ngụy biện cho mình sao? Họ bằng lòng với những quan điểm đàn ông phải nhậu nhẹt, phải tụ tập bạn bè, phải có thú vui, phải có không gian riêng…, nhưng lại thờ ơ với những điều cần thiết rõ ràng rằng đàn ông phải biết làm việc nhà, phải biết dành thời gian cho gia đình, phải biết chăm sóc gần gũi con cái, phải biết tôn trọng cái gọi là “gia đình”.
Xét cho cùng, rút cụôc đàn ông hầu hết cũng chỉ là những kẻ ngụy biện mà thôi.