Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.367.433 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.869 ca nhiễm).
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.362.111 ca, trong đó có 1.048.162 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (483.376), Bình Dương (286.078), Đồng Nai (91.056), Long An (39.039), Tây Ninh (35.980).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.586 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.050.979 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.697 ca; trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 5.272 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.302 ca; Thở máy không xâm lấn: 285 ca; Thở máy xâm lấn: 823 ca; ECMO: 15 ca.
256 ca tử vong tại TP.HCM và 25 tỉnh, thành phố
Từ 17h30 ngày 08/12 đến 17h30 ngày 09/12 ghi nhận 256 ca tử vong. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh (76) trong đó có 12 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), Đồng Nai (1),Lâm Đồng (1), Long An (2), Phú Yên (2), Tây Ninh (3), Tiền Giang (1), Thanh Hóa (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (37 ca tử vong trong 02 ngày 08-09/12/2021), Tây Ninh (16), Bình Dương (16), Đồng Nai (13), Tiền Giang (11), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (17 ca tử vong trong 02 ngày 08-09/12/2021), Cần Thơ (10), Vĩnh Long (8 ), Long An (6), Bình Thuận (5), Bến Tre (5), Sóc Trăng (5), Đắk Lắk (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Hậu Giang (3), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Bắc Ninh (1), Bình Định (1), Ninh Thuận (1), Hải Phòng (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 218 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.186 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.688 xét nghiệm cho 264.323 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.
Trong ngày 8/12 có 662.110 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 129.965.296 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.039.917 liều, tiêm mũi 2 là 55.925.379 liều.
Giám đốc Sở Y tế: Hà Nội có thể lên đến 1.000 ca mắc/ngày
Tối 9/12, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 704 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó 222 ca cộng đồng, khu cách ly (419), khu phong tỏa (63).
Theo đó, 704 bệnh nhân được phát hiện tại 215 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện: Đống Đa (95), Thanh Trì (50), Tây Hồ (49), Gia Lâm (48), Đông Anh (42), Bắc Từ Liêm (39), Hoàn Kiếm (38), Hai Bà Trưng (36), Thanh Xuân (33), Hà Đông (26), Nam Từ Liêm, Hoàng Mai (23), Cầu Giấy (21), Quốc Oai (20), Gia Lâm (17), Mê Linh, Sóc Sơn (15), Chương Mỹ (14), Đan Phượng (13), Ba Vì, Phúc Thọ (12), Ba Đình, Thường Tín(11), Thanh Oai, Mỹ Đức (9), Thạch Thất (8), Phú Xuyên (6), Hoài Đức (5), Ứng Hòa, Long Biên (2)
Các ca mắc trong cộng đồng phát hiện ở 30 quận, huyện, nhiều nhất tại Đống Đa (34), Hoàn Kiếm (29), Hoàng Mai (17), Bắc Từ Liêm (16), Thanh Xuân (13).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 15.959 ca.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà dự báo, các ca mắc COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận, huyện, có thể sẽ lên đến 1.000 ca/ngày trong thời gian tới vì dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Beta và Delta.
Bà Hà cũng cho biết, dù số ca mắc tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 được điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.
Về giải pháp thời gian tới, Sở Y tế sẽ đánh giá cấp độ dịch ở xã, phường mỗi lần một tuần để áp dụng phù hợp các biện pháp hành chính, điều chỉnh phòng chống dịch COVID-19. Thành phố yêu cầu địa phương kiên định việc điều tra, truy vết, cách ly trong phạm vi hẹp nhất, nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để chăm sóc người dân từ sớm từ xa.
Thành phố cũng đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân, nhất là người tiêm chưa đủ 2 mũi, trẻ em và chuẩn bị tiêm mũi 3 cho nhóm ưu tiên; đáp ứng các tiêu chí an toàn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Hải Phòng: Khẩn tìm người tiếp xúc 9 cô gái làm nghề tự do tại Đồ Sơn nhiễm Covid-19
9 nữ bệnh nhân Covid-19 tại Hải Phòng là những người làm công việc tự do tại Khu du lịch Đồ Sơn.
Hải Phòng đang truy vết các trường hợp tiếp xúc với 9 cô gái ở Đồ Sơn dương tính với SARS-CoV-2.
Lãnh đạo phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng xác nhận, 9 cô gái nhiễm Covid-19 là lao động dịch vụ tự do cư trú trên địa bàn.
Ban đầu địa phương ghi nhận 1 thiếu nữ trong nhóm này nhiễm Covid-19. Truy vết, xét nghiệm mở rộng tại Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng phát hiện thêm các ca còn lại.
Trong 9 bệnh nhân chỉ có 3 người đã được tiêm vắc xin, số người còn lại chưa tiêm vì chưa đủ tuổi và chưa tới đợt.
Theo báo cáo mới nhất của ngành y tế Hải Phòng, tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại thành phố là 1.540 ca.
Đã có 14/15 quận, huyện trên địa bàn có ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Nơi chưa có trường hợp dương tính là huyện đảo Bạch Long Vỹ.
Sau khi xác định 9 cô gái tại Hợp Đức, quận Đồ Sơn nhiễm bệnh, Hải Phòng đã cho xét nghiệm và ghi nhận tiếp hơn 10 người khác dương tính SARS-CoV-2. Đây là ổ dịch mới, có dấu hiệu rất phức tạp.
Xử lý cả người rao bán và mua thuốc kháng virus điều trị Covid-19
Theo Sở Y tế TP.HCM, hành vi mua bán các loại thuốc kháng virus điều trị Covid-19 hiện nay đều bất hợp pháp, người bán lẫn người mua đều bị xử lý.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP sẽ không phát thuốc kháng virus cho tất cả F0 đang cách ly tại nhà, mà ưu tiên cho nhóm nguy cơ.
"Các loại thuốc kháng virus chỉ sử dụng đúng đối tượng. Những người còn trẻ không có triệu chứng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không được chỉ định thuốc kháng virus.
Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng kháng sinh, gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng", bà Mai cho biết.
Mới đây, Bộ Y tế đã cấp phát cho TP hơn 25.000 liều Molnupiravir. Hơn 12.000 gói thuốc C cũng được điều chuyển từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những địa phương đang cần hơn trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã được Bộ Y tế cung ứng 2.300 liều Faipiravir (cũng là thuốc kháng virus), hơn 2.000 liều thuốc đông y Xuyên tâm liên. Ngoài ra, còn có các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.
Trước tình trạng số ca nhiễm tăng nhưng số lượng gói thuốc C có giới hạn, bà Huỳnh Mai cho biết, nếu cấp phát hết cho F0 qua test nhanh dương tính sẽ không đáp ứng đủ.
Do đó, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP và được chấp thuận triển khai chiến dịch chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền…
Ngay khi nhóm đối tượng này được phát hiện dương tính, y tế phường sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà. Người thuộc nhóm nguy cơ sẽ uống ngay gói C để kháng virus, còn gói thuốc B (chỉ 1 liều) uống theo hướng dẫn của bác sĩ khi có dấu hiệu trở nặng.
Đại diện Sở Y tế khẳng định, thuốc Molnupiravir cũng như các loại thuốc kháng virus chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, người bệnh chỉ được cấp phát miễn phí từ nhân viên y tế. Vì vậy, việc lưu hành các loại thuốc, rao bán trên mạng hoặc mua bán ngoài thị trường đều bất hợp pháp.
“Cả người bán lẫn người mua đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nếu cơ quan chức năng phát hiện”, bà Huỳnh Mai cho hay.
Hiện Sở Y tế đã phối hợp với Công an TP điều tra các trường hợp có ghi nhận mua, bán và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo xử lý. Quan điểm của Sở Y tế là xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân phân bố khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức cùng tham gia công tác phòng chống dịch.
Tính đến ngày 8/12, TP.HCM có hơn 482.000 F0 đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, có hơn 13.000 F0 đang điều trị, 412 bệnh nhân nặng thở máy, 13 ca phải can thiệp ECMO. Trong ngày, TP ghi nhận 76 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
F0 ở Bình Dương tăng nhanh dù tỉ lệ phủ vaccine rất cao
Bình Dương lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine Covid-19 liều bổ sung và liều nhắc lại trong tháng 12, các đối tượng ưu tiên gồm người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết đơn vị đang rà soát lại việc tiêm vaccine liều cơ bản, đồng thời thống nhất tổ chức tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại cho người dân trên địa bàn.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại địa phương này liên tục tăng nhanh sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, mặc dù tỉ lệ bao phủ vaccine của Bình Dương rất cao.
Theo đó, từ tháng 12/2021, Bình Dương bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm đủ 2 mũi) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...
Sử dụng vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine Pfizer và tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.
Bên cạnh đó, tiêm liều nhắc lại vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, người tham gia tuyến đầu chống dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, tiêm vaccine giúp hạn chế lây lan, hạn chế bệnh nặng và tử vong.Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người dân trên địa bàn không chịu đi tiêm, do đó khi bị mắc Covid-19 thì đối tượng này khả năng bị chuyển nặng và tử vong rất cao, trong khi nguồn vaccine của Bình Dương đang dồi dào.
"Các trung tâm y tế tuyến huyện luôn có vaccine 24/24 và sẵn sàng tiêm cho người dân bất cứ lúc nào" - bác sĩ Nguyễn Hồng Chương cho hay.
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 285.589 ca mắc Covid-19, hiện còn 49.965 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 2.324 tại cơ sở điều trị và 47.371 điều trị tại nhà. Đáng quan tâm, có 563 bệnh nhân nặng, nguy kịch cần thở oxy; 377 bệnh nhân điều trị tầng 3; 807 bệnh nhân điều trị tầng 2 và 1.140 bệnh nhân điều trị ở tầng 1.
F0 nặng tăng trở lại, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM nâng lên 500 giường
Trước thực tế lượng F0 nặng gia tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 bắt buộc phải mở rộng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là bài toán nhân lực.
BS CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, trong khoảng 10 ngày gần đây, số lượng F0 lẫn số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại TP.HCM đã gia tăng trở lại.
Trước tình hình đó, TP.HCM đã triển khai phân chia các cụm để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo sự phân chia này, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách sẽ là trung tâm hồi sức ở tầng 3 của cụm 1, gồm TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh và Quận 4. Hiện tại, mỗi ngày nhu cầu chuyển bệnh nặng lên tầng 3 tại của cụm là khoảng từ 30-35 bệnh nhân.
Tuy nhiên, trước đây, khi tình dịch bệnh tại TP.HCM tạm lắng xuống, lực lượng y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc chi viện cho TP.HCM đã rút về. Và từ đầu tháng 11/2021, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ còn khoảng 150 giường bệnh. Đội ngũ nhân lực chủ yếu ở đây vẫn là các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115…
Trước thực tế lượng bệnh nhân nặng gia tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 bắt buộc phải mở rộng hoạt động trở lại.
Vào ngày 5/12/2021, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã đưa vào hoạt động trở lại khoa 2B, với đội ngũ nhân lực là các y bác sĩ hiện có ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, cùng 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng của Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Ung bướu được Sở Y tế TP.HCM điều động chi viện.
Ths.BS Phạm Minh Huy, Trưởng khoa 2B, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, khoa mới mởi lại cách đây 3 ngày trước tình trạng quá tải bệnh nhân COVID-19 ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức và Quận 4. Hiện khoa có 25 bác sĩ và 48 điều dưỡng. Trước đây bệnh nhân trẻ tuổi có thể tự sinh hoạt, ăn uống, đi lại, giờ bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền trong khi không còn lực lượng tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ nên nhân viên y tế phải chăm sóc nhiều hơn.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là bài toán nhân lực. Bởi hiện tại, đội ngũ nhân viên y tế của TP.HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như chi viện cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tăng cường cho các tuyến y tế cơ sở…
"Chúng tôi đang đề xuất tăng cường lực lượng để trong một tuần nữa Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có thể nâng lên ít nhất là 300 giường bệnh và dự kiến thời gian tới sẽ là 500 giường bệnh. Lúc đó, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mới có thể đảm bảo tiếp nhận người bệnh vào đúng tầng điều trị của mình, qua đó giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.