Những người sau khi nhiễm COVID-19 vẫn nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau 6 - 8 tháng. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin cho những người này thì kháng thể trong cơ thể có thể đạt tới nồng độ hiệu quả chống lại COVID-19.
Ông Cao Việt Tùng (phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương)
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-12, bà Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết trước mắt sẽ tiêm cho nhóm có nguy cơ, lực lượng tuyến đầu, tiến tới tiêm mũi 3 cho toàn dân.
Tiêm mũi 3 có tăng hiệu quả miễn dịch?
Đến ngày 8-12, thống kê của Bộ Y tế cho biết đã tiêm phủ mũi 1 cho 97% người từ 18 tuổi, 70% nhóm tuổi này đã tiêm đủ 2 mũi. Ở nhóm 12-17 tuổi, hiện đã tiêm được mũi 1 cho 5 triệu cháu, hơn 10% đã tiêm đủ 2 mũi.
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, việc tiêm phủ vắc xin rộng rãi đã làm giảm mạnh số ca chuyển nặng, nhưng tại TP.HCM và các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại, nâng tổng số mắc mới hằng ngày gần bằng giai đoạn cao điểm dịch, kéo số ca tử vong tăng theo. Tại TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, nhiều tỉnh miền Tây số ca tử vong tăng, trung bình tuần qua mỗi ngày có tới 202 ca tử vong.
Chính vì vậy kế hoạch tiêm mũi bổ sung cần phải tiến hành nhanh hơn.
Theo bà Dương Thị Hồng, mũi bổ sung được chỉ định tiêm trước cho người có bệnh nền như ung thư, ghép tạng, bệnh mãn tính..., ở thời điểm 28 ngày sau tiêm mũi 2 và TP.HCM sẽ là địa phương tiến hành tiêm trước.
"Các tỉnh thành khác thì tùy theo kế hoạch của địa phương, nhưng lịch trình chung sẽ là tiêm đủ 2 mũi cho nhóm trên 18 tuổi, sau đó tiêm đủ 2 mũi cho nhóm 12-17 tuổi và tiêm mũi bổ sung. Riêng các tỉnh đang có dịch nóng thì tiến hành song song cả mũi bổ sung"- bà Hồng nói.
Tiêm đủ mũi 3 cho toàn dân 2 quý tới
Sau mũi bổ sung cho nhóm nguy cơ cao, bà Hồng cho biết sẽ triển khai tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, ở thời điểm đủ 6 tháng kể từ khi tiêm đủ 2 mũi, sau đó là triển khai tiêm mũi 3 cho toàn dân.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong 2 quý đầu năm 2022 sẽ tiêm đủ mũi 3 cho toàn dân và hiện các nguồn vắc xin đã và đang được chuẩn bị. Toàn bộ sẽ là vắc xin công nghệ mNRA và virus vector (Pfizer, Moderna và AstraZeneca...).
Có những ý kiến cho rằng vắc xin chưa thật sự hiệu quả vì sau khi tiêm 2 mũi cơ bản, ca mắc vẫn tăng, bà Hồng cho hay SARS-CoV-2 là virus mới phát hiện, có nhiều đặc điểm "lạ", nhưng việc tiêm mũi bổ sung sẽ giúp tăng cường trí nhớ miễn dịch. "Không một virus biến thể nào có thể thắng được cơ thể đã tiêm đủ vắc xin, việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp gia tăng hiệu quả miễn dịch"- bà Hồng nói.
Còn ông Cao Việt Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, con người sẽ có khả năng giảm nhẹ tình trạng bệnh nặng do COVID-19 gây ra từ 85 - 90%".
2022 sẽ tiêm vắc xin cho nhóm 5 - 11 tuổi?
Đây là một trong những chương trình mà Bộ Y tế đang trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay Mỹ đã tiêm vắc xin Pfizer cho nhóm tuổi này, Việt Nam đang đợi Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt vắc xin cho lứa tuổi 5-11 để triển khai tiêm ngừa.
Trả lời báo chí ngày 8-12, thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết bộ đang giao Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm kháng thể để đánh giá hiệu quả phòng bệnh sau tiêm.
Ông Tuyên cũng cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận hoặc đã nhận được cam kết được mua trên 200 triệu liều vắc xin, dự kiến khoảng giữa tháng 12 này sẽ hoàn thành mũi 2 cho nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên, sớm hơn rất nhiều so với dự kiến ở thời điểm đầu năm là hết quý 2-2022 mới tiêm xong.
Hà Nội là một trong số địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có số mắc cao nhất hiện nay, nhưng tại các cơ sở điều trị, số ca chuyển nặng phải hỗ trợ thở oxy hoặc có biến chứng xấu không nhiều, cho thấy vắc xin đã phát huy tốt hiệu quả.
Ở mũi tiêm bổ sung, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai tiêm tại phường xã, để những người có bệnh nền, đã tiêm xong mũi 2 từ 28 ngày biết và đi tiêm sớm. Mục tiêu quan trọng hiện nay là bảo vệ người có nguy cơ cao, giảm biến chứng nặng và tử vong.
* Người tiêm mũi 3 có phải đăng ký lại không hay ngành y tế căn cứ theo danh sách tiêm mũi 2 để gọi tiêm mũi 3?
- Bà Dương Thị Hồng (phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia):
Dựa vào số lượng vắc xin sẵn có và tiền sử tiêm chủng của đối tượng, các địa phương sẽ tổ chức tiêm mũi nhắc lại theo thứ tự ưu tiên mà Bộ Y tế đã hướng dẫn.
Người dân không cần đăng ký ngay mà thực hiện theo hướng dẫn của cơ sở y tế trên địa bàn khi nhận được thông báo.
TP.HCM phát động chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ
TP.HCM chính thức phát động "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" với mong muốn ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19, phát hiện sớm người thuộc nhóm này nhiễm COVID-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Giai đoạn đầu của chiến dịch sẽ bắt đầu từ ngày 7 đến 31-12, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022. Ngày 8-12, TP.HCM ban hành kế hoạch và hướng dẫn tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại (mũi 3).
TP sẽ bắt đầu tiêm mũi vắc xin bổ sung cho người có nguy cơ cao và mũi nhắc lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sau 6 tháng, từ ngày 10-12, tùy theo nguồn cung ứng.
Ngày 8-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêm ngừa COVID-19: Tiêm 2 mũi đã an toàn? Khi nào tiêm mũi 3?".
Nhiều người dân hỏi về việc: Tiêm mũi 3 có được tiêm trộn các loại vắc xin khác không và tiêm thêm mũi 3 thì thời gian bảo vệ của vắc xin kéo dài thêm bao nhiêu tháng? Bà Dương Thị Hồng cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mũi nhắc lại có thể sử dụng cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA (Pfizer, Mordena...). Đối với những người đã tiêm Vero Cell có thể tiêm nhắc lại bằng vắc xin AstraZeneca ngoài 3 loại vắc xin trên.
Tiêm nhắc mũi 3 đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tuy nhiên các quốc gia đều mới triển khai mũi tiêm thứ 3 này. Vì vậy, cần phải có thời gian và nghiên cứu trong tương lai thì mới có thể khẳng định thời gian tồn lưu miễn dịch bảo vệ người được tiêm chủng phòng COVID-19 trong bao lâu.