Theo báo cáo COVID-19 toàn cầu mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 12-5, Tây Thái Bình Dương - khu vực dịch tễ mà tổ chức này xếp Việt Nam vào - dẫn đầu về số ca mắc mới với hơn 975.000 ca, tăng tới 35% so với chu kỳ trước.
Nguyên nhân chủ yếu do mức gia tăng ở các quốc gia ven Thái Bình Dương, vốn vừa "đảo chiều" sau chu kỳ sụt giảm vài tuần trước. Có 30% các quốc gia khu vực này báo cáo mức tăng mạnh trên 20%, trong đó cao nhất là Việt Nam, Mông Cổ và Lào.
Trong khi đó, 3 quốc gia có số ca mắc nhiều nhất là Hàn Quốc (361.691 ca), Nhật Bản (262.145 ca) và Úc (114.460 ca). Đây cũng là 3 quốc gia có số tử vong nhiều nhất. Tuy nhiên xét chung thì với 1.387 ca tử vong mới cho cả khu vực, xu thế giảm sâu về tử vong vẫn tiếp tục (giảm 33%).
Việt Nam báo cáo 46.230 ca trong 28 ngày, tăng 6.862%, tuy nhiên mức tăng khủng này chủ yếu do chu kỳ 28 ngày trước đó báo cáo chỉ 664 ca.
Châu Âu và châu Mỹ báo cáo lần lượt hơn 800.000 và hơn 647.000 ca mắc COVID-19 mới, giảm sâu 38% và 35% so với chu kỳ trước đó. Tuy nhiên hai khu vực này lại có số ca tử vong cao, lần lượt là 6.345 và 7.483 ca.
Đông Nam Á báo cáo số ca hạn chế so với mức tăng toàn khu vực, có thể do độ phổ biến của xét nghiệm kém hơn so với các khu vực kia: 258.500 ca mắc mới, tăng 223%. Khu vực dịch tễ này bao gồm Nam Á và một phần Đông Nam Á địa lý.
91% số quốc gia trong khu vực dịch tễ Đông Nam Á báo cáo mức tăng trên 20%, cao nhất là Myanmar (tăng 1.252%), Thái Lan (tăng 659%).
Ba quốc gia nhiều ca mắc nhất là Ấn Độ (tăng 222%), Indonesia (tăng 199%), Thái Lan, cũng là 3 quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tuy nhiên Thái Lan chỉ có 27 ca tử vong; trong khi Ấn Độ và Indonesia chiếm hầu hết số tử vong của khu vực dịch tễ này, lần lượt là 715 và 407 ca.
Hai khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải và châu Phi báo cáo số ca hạn chế. Trong đó, Đông Địa Trung Hải, vốn bao gồm Tây Á địa lý là khu vực có số ca tăng mạnh trước đó, đang thể hiện xu hướng "hạ nhiệt".