Ngay sau khi phóng sự về vụ việc hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B được "nhân bản" 1 thành 2 xảy ra tại bệnh viện Xanh Pôn - một bệnh viện nổi tiếng của Hà Nội được phát trên sóng truyền hình, cộng đồng mạng đã "dậy sóng".
"Giật mình", "Không thể tin nổi!", "Quá kinh khủng" là cụm từ nhiều người đã thốt lên sau khi xem phóng sự này.
Theo nội dung phản ánh, mỗi bệnh nhân đến bệnh viện Xanh Pôn của Hà Nội xét nghiệm HIV và viêm gan B sẽ được test nhanh, lấy mẫu máu xét nghiệm mang đi phân tích.
Vụ việc cắt đôi que thử viêm gan B, HIV tại bệnh viện Xanh Pôn đang khiến cộng đồng mạng "dậy sóng". Ảnh chụp màn hình.
Quá trình test nhanh với mỗi que thử không được thực hiện đúng quy trình mà được những nhân viên tại đây dùng kéo cắt làm 2 thay vì chỉ được dùng cho một người. Bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ. Sau đó, mẫu máu của nhiều bệnh nhân sẽ được nhỏ vào để làm xét nghiệm và cho ra kết quả sau 4 giờ.
Ngoài ra, xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) cũng được các kỹ thuật viên tại phòng miễn dịch làm theo cách riêng là trộn nhiều mẫu máu của bệnh nhân làm một rồi mới tiến hành xét nghiệm.
Theo đó, trong phòng thí nghiệm, 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân khác nhau được kỹ thuật viên trộn chung vào trong một ống nghiệm thủy tinh. 4 mẫu máu sau khi trộn được kỹ thuật viên hút ra, cho vào từng giếng chứa hóa chất. Nếu kết quả âm tính sẽ là kết quả chung cho cả 4 bệnh nhân, còn nếu dương tính sẽ yêu cầu cả 4 bệnh nhân xét nghiệm lại.
Thành viên Ha Quyen bày tỏ: "Chuyện thất đức này đang xảy ra tại bệnh viện Xanh Pôn, một bệnh viện nổi tiếng của Hà Nội. Ngoài việc ăn bớt số tiền triệu ở mỗi bệnh nhân, việc này có hậu quả là làm sai lệch kết quả đối với hai căn bệnh truyền nhiễm này".
Còn thành viên có nickname Thuy Nama không giấu nổi cảm xúc lo lắng: "Thật quá thất đức! Không hiểu lương tâm của người làm nghề vứt đi đâu? Nếu người không bệnh mà kết quả xét nghiệm thành bệnh và ngược lại thì hậu quả sẽ như thế nào?".
Chia sẻ trên Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là lần đầu tiên ông nghe đến việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B.
"Trong 40 năm trong nghề, tôi chưa từng nghe tới việc cắt đôi que thử HIV và viêm gan B như vậy. Tôi cũng không dạy ai làm việc đó. Lần đầu tôi nghe tới sự việc như vậy. Khi một que thử được cắt đôi, kết quả đúng sai không thể biết được", PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật nói.