Xin đổi kết quả vì trót “mây mưa” với người đã có chồng
Một buổi chiều đi làm về, bà Nguyễn Thị Nga nhận được cuộc gọi của nhân viên bưu điện. Anh xưng anh là nhân viên bưu điện muốn biết giờ cô Nga ở nhà để chuyển tận tay. Tuy vậy, khi anh ta đến cửa thì chẳng có bưu phẩm nào cả, mà cứ ấp a ấp úng, mãi không nói lên lời. Sau đó bà Nga mới hiểu rằng anh ta lấy cớ chuyển bưu phẩm để biết địa chỉ của bà đến cầu xin một kết quả xét nghiệm ADN theo ý muốn.
Dù bà khẳng định không bao giờ giải quyết việc xét nghiệm ADN ở nhà riêng nhưng chàng trai này vẫn một mực giãi bày.
“Sáng nay, bạn gái cháu cùng chồng và đứa bé đến Trung tâm của cô làm xét nghiệm. Cháu lo lắm.
Cháu lo đứa bé ấy có thể là con cháu. Chỉ có cô mới giúp được cháu. Nếu đứa trẻ kia không phải là con của chồng cô ấy thì cô ấy sẽ vô cùng khốn khổ và cháu cũng như vậy.
Cô có thể giúp cháu tránh được điều này không ạ? Cháu lo cô ấy sẽ mất tất cả và sẽ không chịu đựng nổi nếu ra đi mà không được mang theo đứa con gái đầu lòng. Cháu xin đội ơn cô nhiều lắm”, chàng trai trẻ tự thú.
Bà Nga cho hay bà không thể giúp việc này, họ có gan làm thì hãy có gan chịu.
“Cháu có biết cháu chỉ nghĩ cho cháu và cho bạn gái mà không hề nghĩ cho người đàn ông bị cắm sừng kia không?. Cháu thử đặt địa vị của mình, bị vợ phản bội, buộc chia tay với vợ rồi lại bị vợ bắt đi đứa con yêu quý của mình thì liệu cháu có chịu đựng được không?
Nếu kết quả là con cháu, cháu phải chuẩn bị tư tưởng để giải quyết hậu quả. Cháu có tội vì quan hệ bất chính với vợ người khác giờ lại muốn thay đổi kết quả xét nghiệm ADN theo ý muốn”, bà Nga nói.
Nghe vậy, chàng trai kia đã phải nặng nề lê bước ra về. Thật may mắn, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đứa trẻ là con của cặp vợ chồng kia. Cả ba đều mừng rỡ vì đạt được ước muốn.
Không thuyết phục được thì tráo mẫu
Theo đánh giá của bà Nga, hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm huyết thống mở ra rất nhiều trên thị trường. Bởi phần lớn không cần đầu tư, chỉ cần một không gian nhỏ làm văn phòng, nhận khách, lấy mẫu rồi gửi đi nơi khác thuê làm dưới danh nghĩa "liên kết", "hợp tác". Khách hàng thậm chí có thể mặc cả vì “giá nào họ cũng nhận” và đi kèm với đó là mối nguy mua chuộc kết quả xét nghiệm ADN.
Bản thân bà Nga cũng gặp không ít trường hợp khách hàng bám đuổi để nhờ bà sửa lại kết quả xét nghiệm ADN vì nỗi sợ tan nát hạnh phúc hoặc phục vụ cho một cuộc đấu đá nào đó.
Có người nói với bà: “Chỉ là một tờ giấy thôi mà, cháu sẽ trả công cô bằng hàng chục ca xét nghiệm”. Nhưng câu trả lời vẫn luôn là “Không bao giờ làm sai lệch kết quả xét nghiệm ADN bằng bất cứ giá nào”.
Có trường hợp người phụ nữ thuyết phục không được đã tráo mẫu bằng cách nhổ tóc của một người rồi chia thành hai gói. Chị khai một mẫu của bố, một mẫu của con. Vì chị đinh ninh cho rằng cùng một mẫu tóc thì phải có kết quả gene hoàn toàn trùng nhau và sẽ nhận được kết luận là hai bố con. Đến khi cầm tờ kết quả với kết luận “hai mẫu là của cùng một người” chị mới ngã ngửa.
“Cháu có thấy đứa trẻ nào sinh ra mà từ một người mẹ không? Chắc chắn là không chứ? Một con người sinh ra phải có cha, có mẹ, mang gene của cả cha lẫn mẹ. Nếu gene của đứa bé giống hệt với bố thì chẳng lẽ bố tự mang thai rồi tự sinh ra em bé? Hai mẫu tóc mà cháu mang đến là của cùng một người. Chắc chắn là do cháu muốn có kết luận hai người này là bố con nên đã nhổ tóc rồi chia đôi, đưa đi xét nghiệm.
Thật quá ấu trĩ! Cháu đừng phạm sai lầm nữa, chỉ mất thời gian và gây hậu quả nặng nề hơn thôi. Thực tế cũng có không ít người tráo mẫu để mong có một kết quả giả và đều thất bại. Phải dũng cảm đối mặt với sự thật mới mong được tha thứ cháu ạ”.
Lời phân tích của bà Nga khiến người phụ nữ sực tỉnh. Kết quả xét nghiệm ADN rõ ràng như đã có và quyết định là ở mỗi người.
Hạnh phúc gia đình chỉ có khi mỗi thành viên trung thực, lành mạnh, thủy chung và không có những bí mật “chết người” để rồi phải nhờ ADN “giải mã”.