Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp bảo vệ niêm mạc mũi đồng thời ngăn ngừa nhiều bệnh lý đường hô hấp như nghẹt mũi, viêm mũi, chảy dịch mũi,… Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn để sử dụng nước muối rửa mũi đúng cách và an toàn.
1. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý có tốt không?
Rửa mũi hay còn được gọi là vệ sinh mũi, xịt rửa mũi là thói quen vệ sinh cá nhân phổ biến của con người, trong đó khoang mũi sẽ được rửa trôi các chất nhầy và mảnh vụn từ mũi và xoang. Theo các báo cáo y tế gần đây thì thói quen này tương đối có lợi và chỉ có một số tác dụng phụ nhỏ không đáng kể.
Vậy rửa mũi bằng nước muối sinh lý có tốt không mà nhiều người lại bị “nghiện” rửa mũi? Rửa mũi thật sự mang đến tác dụng ra sao? Thực ra, rửa mũi trong trường hợp viêm mũi xoang mãn tính rất có lợi ích, được xem như một phương pháp hỗ trợ tích cực song song với việc dùng các loại thuốc điều trị, giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng của bệnh, làm người bệnh cảm thấy đường thở thông thoáng hơn, đồng thời có thể giúp giảm bớt đi việc sử dụng các loại thuốc điều trị hay kháng sinh.
Đối với bệnh viêm mũi dị ứng thì bơm rửa mũi cũng mang lại một số lợi ích nhất định, hỗ trợ làm giảm mức độ nặng của bệnh khi dùng kèm với thuốc điều trị, làm giảm nguy cơ tái phát bệnh so với những bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc điều trị mà không rửa mũi thường xuyên. Các nghiên cứu cho thấy việc rửa mũi mang lại những tác dụng như:
+ Giúp làm giảm đáng kể các chất nhầy trong mũi.
+ Giảm cảm giác nghẹt mũi, làm thông thoáng đường thở.
+ Hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc hỗ trợ (thuốc ho, sổ mũi, …).
2. Có nên rửa mũi bằng nước muối thường xuyên không?
Ngày nay, khi môi trường sống ngày càng ô nhiễm, có rất nhiều người mắc các bệnh về xoang mũi, đặc biệt những bậc phụ huynh có con nhỏ thường xuyên áp dụng phương pháp rửa mũi cho bản thân và bé. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc xịt rửa mũi thường xuyên như thế lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc mũi, có thể làm niêm mạc mũi mất dần đi các yếu tố miễn dịch quý giá giúp ngăn chặn các loại virus, vi trùng, nấm tấn công cơ thể.
Mặc dù vậy, theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, mũi là bộ phận cũng cần được chăm sóc, giữ vệ sinh hằng ngày, giống như việc chúng ta phải đánh răng, rửa mặt 2 lần sáng tối. Thói quen vệ sinh bên trong mũi mỗi ngày sẽ giúp bảo vệ hệ hô hấp. Ngoài ra, việc rửa mũi đúng cách có thể giúp phòng tránh nhiều bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp rất hiệu quả, đặc biệt là khi môi trường không khí ngày càng ô nhiễm, lượng bụi hít vào mỗi ngày cũng cao hơn.
3. Hướng dẫn rửa mũi bằng nước muối sinh lý
+ Cách rửa mũi cho trẻ em
Nếu muốn rửa mũi cho trẻ thì tốt nhất là nên dùng nước muối sinh lý, nước muối sinh lý có công dụng làm niêm mạc mũi ẩm hơn, từ đó giúp long đờm, loãng đờm khi mũi bị viêm một cách an toàn không gây tác dụng phụ.
Cách rửa mũi cho trẻ em gồm các bước sau:
- Bước 1: Đặt trẻ nằm trên gối cao hoặc nằm nghiêng trên mặt phẳng (giường, ghế) để hạn chế tình trạng bị sặc vào đường thở.
- Bước 2: nên làm ấm chai hoặc bình rửa mũi trước, sau đó thông từng bên một cho đến khi dịch viêm được đẩy ra phía đối diện.
- Bước 3: Nếu dịch mũi bị đặc thì có thể dùng máy hút mũi sau khi rửa từ 2 – 3 phút.
- Bước 4: Dùng khăn mềm thấm sạch nước muối và dịch mũi của bé.
Thông thường, thời gian rửa mũi hợp lý sẽ phụ thuộc tình trạng viêm mũi xuất tiết hay dịch mủ. Nếu các mẹ gặp khó khăn trong lúc vệ sinh mũi thì có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế để các y tá thực hiện đúng quy trình nhằm tránh các tổn thương sâu hoặc làm bệnh của trẻ nặng thêm. Lưu ý, không nên lạm dụng việc thụt rửa mũi cho bé quá nhiều lần trong ngày sẽ dễ gây teo niêm mạc mũi.
+ Cách rửa mũi bằng nước muối cho người lớn
Đối với người lớn, việc rửa mũi thường đơn giản hơn rất nhiều. Để vệ sinh mũi, bạn có thể dùng các loại nước muối sinh lý thông thường trên thị trường và cho chúng vào bình xịt phun sương hoặc mua các loại bình rửa mũi chuyên dụng hay chai xịt rửa mũi bán sẵn tại các nhà thuốc.
Sau đây là cách vệ sinh mũi cho người lớn:
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý và bình xịt. Nên chọn các dạng bình có hình củ tỏi hoặc dùng bình neti pot tương tự ấm trà nhưng là loại dành riêng để nhỏ mũi. Nếu đã quen với việc tự rửa mũi nhiều lần, có thể bạn sẽ không cần chuẩn bị thêm bình xịt.
Hòa 1/4 – 1/2 muỗng cà phê muối tinh vào 2 ly nước đun sôi để nguội hoặc đơn giản hơn là mua nước muối sinh lý 0,9% bán sẵn tại nhà thuốc rồi đổ vào bình xịt. Khi rửa mũi, nên nghiêng người một góc 45 độ xuống phía chậu hoặc bồn rửa mặt. Lưu ý là chỉ nghiêng người nhẹ, không ngả hẳn đầu ra đằng sau, nên để nước muối chảy từ lỗ mũi bên này sang lỗ mũi bên kia rồi rơi xuống bồn rửa là tốt nhất.
Tiến hành đặt đầu lọ nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi, vừa há miệng vừa xịt nước muối vào nhẹ nhàng và từ từ để cho dung dịch nước muối đi sâu vào mũi. Với cách làm này, phải thở bằng miệng thay vì thở bằng mũi. Sau đó, xì mũi nhẹ nhàng để làm sạch lượng các gỉ mũi, dịch nhờn còn đọng lại phía trong.
Lặp lại thao tác tương tự với phần lỗ mũi còn lại. Nếu đã rửa xong mà hai lỗ mũi vẫn còn sót dịch nhờn và rỉ mũi, có thể thực hiện lại thao tác rửa mũi thêm lần nữa. Sau khi vệ sinh mũi xong, bạn mang các dụng cụ đi rửa sạch và phơi khô.
Trong trường hợp vệ sinh mũi xong mà cảm thấy mũi đau rát, cần giảm lượng muối trong dung dịch nước muối sinh lý và nên làm ấm lọ nước muối trước khi sử dựng. Việc dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi có thể áp dụng hàng ngày để ngăn ngừa vi khuẩn, làm sạch rỉ mũi và dịch nhờn. Nếu bệnh tình thuyên giảm, chỉ nên rửa mũi bằng nước muối tối đa 3 lần/tuần.
4. Lưu ý an toàn khi thực hiện rửa mũi
Mũi là một cơ quan tương đối nhạy cảm, chúng thông đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, chính vì thế bạn nên cẩn thận lưu ý vài điều sau đây khi thực hiện rửa mũi ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ:
- Nên vệ sinh sạch sẽ tay bằng xà phòng trước khi tiến hành xịt rửa mũi.
- Không nên bơm rửa quá mạnh cũng như không để đầu bơm quá hẹp, tạo ra áp lực lớn dẫn đến tổn thương niêm mạc mũi, ù tai, đau tai.
- Khi xịt mũi cần giữ đầu trong trạng thái thẳng, không nên ngẩng cao lên hay nghiêng đầu thấp trong quá trình xịt. Nên đảm bảo dung dịch vệ sinh mũi được phun thẳng vào cánh mũi chứ không nên để chúng chảy ngược lên xoang tai hay xuống xoang họng dễ gây sặc hoặc khó chịu.
- Khi xì mũi, tốt nhất phải bịt 1 bên lại và xì mũi bên còn lại, không xì 1 lúc cả 2 bên mũi để tránh dịch chảy ngược vào xoang và tai. Đây được xem là điểm quan trọng mà bố mẹ cần lưu ý khi xịt mũi cho trẻ.
- Nên xịt hết dịch ra ngoài khi rửa mũi bằng nước muối sinh lý, sau khi xịt rửa phải lau khô xung quanh mũi bằng khăn giấy mềm để trả lại độ ẩm cần thiết cho mũi.
- Trường hợp muốn rửa mũi cho các bé dưới 2 tuổi thì nên hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
- Nếu đang vấn đề liên quan đến đường hô hấp, xoang mũi thì bạn nên rửa mũi hàng ngày. Đến khi các triệu chứng đã thuyên giảm thì có thể chuyển sang rửa cách ngày.
>>> Xem thêm:
- Mẹo chữa ghẻ bằng nước muối vô cùng đơn giản, hiệu quả mà không phải ai cũng biết
Trên đây là vài phương pháp rửa mũi bằng nước muối sinh lý an toàn, hiệu quả mà bạn có thể áp dụng cho mình và những người thân yêu. Ngoài mũi, mắt và họng cũng là những bộ phận cơ thể có thể vệ sinh thường xuyên bằng nước muối sinh lý để tránh các bệnh nhiễm khuẩn.