Tính chung, các chuyên gia ước tính nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, sẽ có khoảng 155.000 người tránh được nguy cơ ung thư.
Theo Daily Mail, có khoảng 387.820 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào các năm 2019-2020, tăng hơn 20.000 ca so với trước đó, bất chấp đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hầu hết hoạt động thường ngày của con người.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất với 56.987 ca chẩn đoán mới, theo sau đó là ung thư tiền liệt tuyến với 55.068 ca.
Ung thư phổi vẫn gây tử vong nhiều nhất với 34.171 người trong hai năm 2019-2020 và là bệnh có số người người mắc phải tăng nhanh thứ hai, với 48.754 trường hợp mới. Các con số này giảm nhẹ so với giai đoạn 2017-2018 lần lượt là 35.180 và 48.017.
Các trường hợp ung thư da ác tính do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời đã tăng từ 16.183 lên 17.845 trong khoảng thời gian hai năm.
Trong khi đó, có 44.706 trường hợp mắc mới và 17.484 trường hợp tử vong do ung thư ruột.
Thừa cân, béo phì được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến 13 loại ung thư liên quan đến vú, tử cung, ruột, gan, thận và tụy. Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân của 70% trường hợp ung thư phổi, chiếm gần 1/5 tổng số các trường hợp ung thư mới mỗi năm.
Hiện nay, có khoảng 2/3 số người lớn và 1/3 trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì. Các chuyên gia cảnh báo trong thời gian tới, béo phì có thể là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, vượt qua cả việc hút thuốc.
Dữ liệu cũng cho thấy số trường hợp có thể phòng ngừa giai đoạn 2019-2020 đã tăng 8.000 ca so với giai đoạn 2017-2018.
TS Vanessa Gordon-Dseagu, làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF), cho biết với tình trạng dân số già hóa như hiện nay, số người mắc ung thư sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh có thể tránh được căn bệnh này nếu ngưng uống rượu bia, ăn không quá 3 phần thịt đỏ mỗi tuần và hạn chế thịt đã qua chế biến. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, đồng thời, các bà mẹ nên cho con bú trực tiếp nếu có thể.
TS Gordon-Dseagu cho biết thêm: "Tầm soát đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả ung thư. Nếu được chẩn đoán càng sớm, họ càng có nhiều khả năng sống".
Một nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tạp chí PLOS One cho thấy nếu không có ai ở Anh hút thuốc thì số ca tử vong liên quan đến ung thư phổi sẽ giảm từ 27.200 xuống còn 16.500 ca.
Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến nghị mọi người lựa chọn lối sống tốt hơn như ăn uống lành mạnh, cắt giảm thịt đỏ, tránh sử dụng thịt chế biến sẵn, hạn chế thức uống có cồn, không hút thuốc và thường xuyên tập thể dục.