Người nhà cho biết vài ngày trước khi vào viện, bà ăn 5-6 quả hồng, sau đó đau bụng, khó tiêu, ăn uống kém nên đến bệnh viện khám. Bà có tiền sử viêm loét dạ dày, viêm da cơ địa, từng cắt u xơ tử cung.
Ngày 27/9, bác sĩ Nguyễn Anh Quân, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E, cho biết bụng bệnh nhân có nhiều ổ loét, dạ dày có hai khối bã thức ăn lớn. Các bác sĩ đã nội soi dạ dày để gắp khối bã ra nhưng không thành công. Bác sĩ chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, nội soi và dùng máy laser nhưng cũng không thể xuyên phá được khối bã thức ăn do quá cứng.
"Người bệnh có nguy cơ tắc ruột, vỡ ruột, rối loạn điện giải, nguy hiểm tính mạng", bác sĩ nói. Cuối cùng, bác sĩ quyết định mổ mở mặt trước dạ dày để lấy bã thức ăn ra.
Bác sĩ cho biết những người có tiền sử bệnh dạ dày, răng kém, không nên ăn đồ ăn khó tiêu như quả hồng, các loại măng... Nguyên nhân là răng kém, chức năng nhai kém không nghiền nát thức ăn được kỹ càng, chức năng co bóp, tiết dịch tiêu hóa dạ dày kém hơn người bình thường.
Tắc ruột do khối bã thức ăn là tình trạng có thể gặp ở người già và trẻ nhỏ. Người bình thường cũng không ăn quả hồng quá nhiều, nên thận trọng nhai kỹ. Ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ axit dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật tạo thành khối bã rắn chắc.
Triệu chứng thường gặp là đau, chướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, bí trung đại tiện... Bác sĩ khuyến cáo người già và trẻ nhỏ hạn chế ăn hồng giòn, chỉ ăn một đến hai miếng nhỏ, nhai kỹ. Không nên ăn hồng lúc đói, không ăn vỏ quả hồng, nhất là vỏ quả còn xanh. Người mắc bệnh dạ dày, người thường đầy bụng, khó tiêu, có bệnh đường ruột... cũng nên hạn chế ăn.