Thất vọng vì giảm eo bằng rượu gừng nghệ
Chị Lê Mai Hoa (phường Câu Diễn, quận Nam Từ Liên, Hà Nội) ca cẩm lần sinh đầu tiên vòng eo của chị bị chảy to và chị nghĩ cai sữa con thì sẽ săn lại. Thế nhưng chờ mãi chẳng thấy nhỏ đi nên đến lần sinh thứ hai chị chuẩn bị sẵn lọ rượu gừng nghệ.
Chị Hoa về quê nhờ người nấu rượu 55 độ cồn, mua gừng, nghệ về rửa sạch để ráo nước rồi đổ rượu vào ngâm sau đó đem xuống đất chôn với hi vọng mang lại kết quả tốt.
Đến khi sinh bé thứ hai, chị Hoa kiên trì bôi rượu gừng nghệ. Tuy nhiên, chị cảm nhận vòng eo ngày càng phình ra mà chẳng thon lại như chị mong muốn cũng như chia sẻ của người khác. Điều đó khiến chị Hoa chán nản vì đã mất công mà vòng eo bánh mì vẫn hoàn bánh mì.
Cùng suy nghĩ, chị Phan Thị Dung (34 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam) cũng từng tốn thời gian với rượu gừng nghệ thậm chí viêm cả vết mổ vì sản phẩm này.
Chị Dung kể sau sinh mổ, nôn nóng cải thiện vòng eo nên chị đã mua rượu gừng nghệ về bôi. Kết quả là rượu gừng nghệ chảy vào khiến vết mổ phù nề, chảy dịch. Chị Dung vào viện kiểm tra bị bác sĩ mắng cho một trận vì cái tội nôn nóng giảm eo.
Bác sĩ cho rằng các tác dụng vật lý lên da đều không thể làm tan mỡ bụng như chị em lầm tượng.
Cách đây không lâu, một sản phụ 26 tuổi sau 2 tháng kiên trì uống rượu gừng để giảm cân sau sinh kết quả sản phụ đã bị ngộ độc suy gan và qua đời vì tác hại của việc uống rượu gừng nghệ.
Không có tác dụng
Giáo sư Phạm Xuân Sinh, Nguyên trưởng khoa Dược Đông y Đại học Dược Hà Nội, cho biết giảm eo bằng rượu gừng nghệ được xem là “công thức vàng” của nhiều người. Những lời quảng cáo của người bán hàng đều khẳng định khả năng đánh tan mỡ bụng của hỗn hợp này rất đơn giản. Trong khi đó Giáo sư Sinh cho rằng trên thực tế không có tác dụng gì.
Theo Giáo sư Sinh, rượu gừng nghệ không có tác dụng giảm cân, giảm mỡ bụng như chị em vẫn lầm tưởng. GS Sinh cho rằng khi bôi rượu gừng nghệ không những không tan được mỡ bụng mà tính nóng của gừng, nghệ cộng với cồn còn có thể làm tổn thương da.
Theo Đông y, gừng khô vị cay, tính ôn, vào các kinh tâm, tỳ, phế và vị có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch. Gừng được sử dụng như gia vị nấu ăn hàng ngày trong các gia đình.
Trong y học dân gian, người ta dùng gừng trong các trường hợp chữa bệnh như đau vùng ngực bụng do lạnh, nôn ói, tiêu chảy; tay chân lạnh, trụy mạch, có thể dùng 3 - 10g, sắc, nấu, hầm, tán bột. Hoặc đơn giản là làm cốc trà gừng để chữa chứng tay chân lạnh. Đối với phụ nữ sau sinh, giáo sư Sinh cũng khuyến cáo có thể sử dụng gừng như thế.
Tuy nhiên, khi gừng ngâm rượu tuyệt đối không được uống vì gừng có tính nóng, rượu nóng nữa cộng lại với nhau ảnh hưởng tới gan. Với phụ nữ sau sinh có thể gây mất sữa.
Còn với củ nghệ, theo Giáo sư Sinh, trong Đông y củ nghệ vàng còn có tên gọi là Khương Hoàng, vị cay, đắng, tính bình có tác dụng hành khí, hoạt huyết, làm tan máu, tan ứ và giảm đau. Có tác dụng phá huyết, hành khí, thông kinh, chỉ thống chủ trị bệnh trướng đầy, bế kinh, bệnh sau sinh, chấn thương, ung thũng, sưng, thông kinh nguyệt…
Tuy nhiên, sản phụ chỉ sử dụng nghệ như gia vị nấu ăn hàng ngày như kho thịt, nấu canh cho thêm chút nghệ giúp bế kinh tốt chứ không phải là bôi ngoài da để giúp vòng eo thon thả.
Đó còn chưa kể các nguy cơ mua phải rượu gừng nghệ giả làm "tiền mất tật mang". GS Sinh cho biết để giảm cân bắt buộc phải có luyện tập và thay đổi chế độ ăn cho phù hợp. Việc chị em lười vận động và vin vào rượu gừng nghệ có thể giúp họ lấy lại vóc dáng thời thanh xuân thì không bao giờ có được.