Bí đao mùa hè – loại thực phẩm giải nhiệt mùa nóng không thể bỏ qua
Vào mùa nắng nóng, hẳn là chuyện ăn uống đôi khi không còn khiến bạn cảm thấy thiết tha. Những lúc này, bạn cần nhất là tìm đến những món ăn, đồ uống có tính giải nhiệt mạnh mẽ. Vì vậy, có thể nói, vào mùa hè, bạn không thể bỏ qua những món ăn từ bí đao (nhiều nơi hay gọi là bí xanh, bí thuốc, bí phấn).
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, bí đao có tính mát, vị ngọt, không độc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kiện tỳ, ích khí trừ phiền, chỉ khát lợi tiểu, tiêu thũng.
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, 100 g bí đao có 0,4 g protid, 2,4 g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C... Thành phần chính của bí đao là nước, không có chất béo và hàm lượng natri cũng vô cùng thấp.
Do đó, đây là thực phẩm vô cùng hữu ích với bệnh nhân xơ cứng động mạch, động mạch vành tim, cao huyết áp, viêm thận, ung nhọt, phù thũng…
'Bí đao cũng là một thực phẩm vô cùng hữu ích trong việc làm tan đờm, giúp mát ruột, đánh bay cơn khát, giải độc, giảm béo. Bí đao giúp giảm cân vì ít năng lượng, làm bụng nhanh no vì chứa nhiều nước, không có chất béo, chứa hytarin kaperin, ngăn chặn đường chuyển hóa vào mỡ trong cơ thể. Vì thế, cơ thể không thể tích lũy mỡ thừa nên giảm béo rất tốt', lương y khẳng định.
Thịt quả chứa nhiều chất xơ, rất có lợi cho ruột, đường tiêu hóa. Vitamin A, C, E, B9, khoáng chất như kali, phốt pho, magiê giúp làm đẹp cơ thể, loại bỏ mỡ bụng.
Ngoài ra, loại quả này có thể được nấu thành cao để dưỡng da, giúp da căng mịn, trắng hồng. Chúng cũng chữa được nhiều bệnh khác như xơ cứng động mạch, tiểu đường, phụ nữ ít sữa, viêm phổi, ho gà, viêm phế quản, manh tràng, viêm đại tràng.
Những bài thuốc chữa bệnh từ bí đao
Theo lương y Bùi Hồng Minh, bí đao rất tốt khi được ăn vào mùa hè. Cách thực hiện đơn giản nhất là nấu canh bí xanh hoặc luộc bí xanh ăn hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể uống nước bí đao xay sinh tố hoặc nước ép đều giúp giải nhiệt, giải độc chữa bệnh rất tốt.
'Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng uống bí đao sống, ăn sống bí đao vì trong đó có tính xà phòng, tính tẩy cao, nếu lạm dụng sẽ gây hại đường ruột', vị lương y khuyến cáo.
Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ bí đao được lương y Bùi Hồng Minh đưa ra:
- Phù thũng: Bí đao, hành củ đem nấu với canh cá chép ăn với cơm hàng ngày sẽ giúp giảm đáng kể. Hoặc bạn có thể lấy bí đao và đậu đỏ có lượng bằng nhau, đem nấu chín, không cho gia vị và ăn.
- Tiểu đường: 20g vỏ bí đao, 29g vỏ dưa hấu, 20g thiên hoa phấn, tất cả đem nấu thành nước sôi sau đó uống trong ngày. Bạn cũng có thể sử dụng bí đao để cả vỏ và hạt, củ mài, lá sen nấu nước uống trong ngày sẽ rất tốt để điều trị bệnh tiểu đường.
- Gan nhiễm mỡ: 500g bí đao đem gọt vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, đổ khoảng 1 lít nước vào luộc chín, ăn cả cái lẫn nước thay cơm.
- Hen suyễn: Bí đao non đem bổ đôi, sau đó cho đường phèn vào trong, đem hấp chín, có thể cho thêm gừng tránh lạnh bụng. Ăn 4 quả trong 4 ngày liên tục sẽ giảm các triệu chứng của hen suyễn.
- Ho gà, viêm phế quản mãn tính: Hạt bí đao, trộn với đường phèn đem giã mịn, nhào với mật ong , hàng ngày uống 2-3 lần với nước đun sôi để nguội.
- Chữa tàn nhang: Bí đao 1 quả, rượu 1,5l, nước 1l, mật ong 0,5l. Bí đao nạo vỏ, cắt thành những miếng nhỏ, cho vào nồi đồng, sau đó đổ rượu, nước và đun đến khi nát nhừ, lọc lấy nước cốt. Bạn cô đặc nước cốt thành cao rồi cho thêm mật ong đun thêm vài phút, sau đó để nguội, cho vào lọ kín dùng dần. Trước khi đi ngủ lấy cao bí đao ra xoa mặt như kem dưỡng da rồi để qua đêm.
- Nám da, đen da: Ép bí đao lấy nước, trộn với mật ong rồi massage đều lên da sẽ giúp nám da mờ dần đi.
- Giải nhiệt, phòng chống say nắng, say nóng: Bí đao 500g, dưa hấu 500g, đường trắng vừa đủ. Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch; dưa hấu lấy ruột, bỏ hạt. Đem bí đao, dưa hấu xay nhuyễn, thêm chút đường trắng, uống nước này nhiều lần trong ngày.