Xuân mỏi mệt ngồi trên chuyến xe buổi sáng rời thành phố. Cô nhẩm tính, đã nửa năm rồi cô chưa về nhà thăm cha mẹ ruột. Bao nhiêu công việc, rồi con cái cứ cuốn cô đi. Ngày mai giỗ ông nội, cô tạm gác mọi thứ để về, tiện thăm hỏi họ hàng.
Sau một ngày bận rộn nấu ăn, dọn dẹp, ban đêm cô mới có dịp ngồi trò chuyện cùng cha mẹ. Mẹ xót khi nhìn con gái ốm đi rất nhiều. Cô lớn rồi, hơn ba mươi mà với cha mẹ cô vẫn như đứa con nít. Khi ba mẹ đi nằm rồi, cô ngồi lại căn phòng hồi con gái mình ở mà bất giác trào nước mắt.
Ngày xưa ở với cha mẹ, thanh thản và sung sướng biết bao nhiêu. Mặc dù nhà cô không khá giả gì nhưng ba mẹ đã dành tất cả tình thương mà họ có cho cô. Ngày cô đi lấy chồng, ba mẹ rơm rớm nước mắt vì cô lấy chồng xa. Nhưng cô kiêu hãnh như con chim, sắp được tung cánh trên bầu trời rộng lớn thênh thang.
Khi bước chân vào ngưỡng cửa nhà chồng, người con gái từ nàng công chúa biến thành osin. Trước kia được cha mẹ cưng chiều, nâng niu bao nhiêu, bây giờ phải nai lưng ra phục vụ chồng và gia đình chồng. Bao nhiêu nỗi lo toan và bổn phận phải gánh vác khiến cô mỏi mệt. Ở với cha mẹ mệt quá thì nằm nghỉ, lười biếng thì cho mình cái quyền được hoãn công việc nhà. Sự thoải mái và cảm giác được bao bọc mà không nơi nào có thể cho người đàn bà giống như sống với ba mẹ ruột.
Sống với gia đình chồng, phải nhìn mặt cha mẹ chồng mà sống. Có những việc tuy họ không nói nhưng chỉ nhìn ánh mắt họ, Xuân cũng cảm thấy mình như kẻ mang trọng tội. Nhiều lúc không khí ngột ngạt chịu không nổi, trong lòng không vui nhưng cô buộc phải mang mặt nạ để diễn với mọi người. Cô bao nhiêu lần nằm khóc, khi người chồng vô tâm vẫn ngủ ngon bên cạnh.
Sau một đêm về nhà, cô lại tất bật lên thành phố. Còn con cái, công việc, bao nhiêu thứ không tên đang đợi cô. Nếu không vướng con cái, hẳn Xuân sẵn sàng lựa chọn bỏ chồng để về sống với ba mẹ.
Đàn bà bước vào hôn nhân hình như ai cũng biến thành con người rất khác. Bao nhiêu hồn nhiên và nụ cười cũng rơi rụng dần dần bởi những năm tháng làm dâu, làm vợ. Chồng Xuân tuy thương yêu vợ con nhưng là người rất hời hợt, vô tâm. Anh luôn nghĩ vợ mình đang sống rất vui vẻ, thoải mái nhưng có biết đâu những nỗi muộn phiền trong cô.
Trước kia khi yêu nhau, anh lãng mạn và quan tâm Xuân bao nhiêu thì sau khi cưới về những điều đó mất hẳn. Anh đi sớm về muộn, bỏ cô bên những mâm cơm nguội ngắt mà đi nhậu với bạn. Sau khi Xuân sinh hai đứa con, thấy chồng thờ ơ chuyện chăn gối. Mỗi lần giở cái áo thấy cái bụng chằng chịt vết rạn của cô, anh lại thở dài. Mặc dù anh không nói, nhưng Xuân hiểu hết những gì anh nghĩ. Anh chê cô xấu, xồ xề.
Chồng bao nhiêu lần vô tâm có bao giờ chạnh lòng nghĩ về khoảng thời gian thanh xuân của vợ? Anh cũng từng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thời con gái. Bao nhiêu theo đuổi khó nhọc mới nhận được cái gật đầu đồng ý của Xuân. Thanh xuân của đàn bà, ai mà không xinh đẹp?
Nhưng điều gì đã biến cô thành người đàn bà với bao vết hằn trên má? Chẳng phải là việc làm vợ, làm dâu trong căn nhà anh sao? Đàn bà nào cũng đau đớn sinh con, đêm đêm thức trắng vì con sốt, con ốm nhưng nhận lại chỉ là thái độ vô tâm, chán chường khi nhìn vợ luộm thuộm, xồ xề.
Ngày xưa khi cầu hôn anh đã hứa sẽ mãi yêu thương, cùng san sẻ vui buồn với cô. Vẫn là chồng, nhưng sự vô tâm khiến tình cảm vợ chồng nhạt nhẽo dần dần. Giá mà đàn ông nào cũng hiểu, thanh xuân là thứ không thể níu kéo đối với đàn bà. Giá mà đàn ông biết yêu và trân trọng từ khi người đàn bà mình xinh đẹp đến lúc những vết chân chim xuất hiện trên khóe mắt. Thương cả những vất vả, lo toan, những muộn phiền rất đỗi đàn bà.
Nếu không bước vào cánh cửa của gia đình chồng, không cung phụng và gánh vác bao nhiêu trách nhiệm trên vai hẳn đàn bà sẽ bớt đi nhọc nhằn trên đôi vai nhỏ bé. Bởi vậy, đàn ông hãy thương vợ. Hãy tự trả lời câu hỏi: Trước khi lấy mình, vợ đã sống ra sao?