Bạn chị bỗng dưng gọi điện thắc mắc: “Ủa, sao chồng cũ mày lại up hình cả gia đình mày lúc còn nồng ấm lên “phây”, còn viết tút “Gia đình hạnh phúc của tôi” nữa chứ?”. Chị không tin vào tai mình. Vợ chồng chị ly hôn đã ba năm, hiện chị vừa có gia đình mới, còn anh nghe đâu cũng có người yêu mới.
Chị có một cuộc hôn nhân “đầu xuôi” nhưng “đuôi không lọt”. Anh chị làm cùng cơ quan nên rất dễ thông cảm với nhau. Trong công việc, anh luôn là người đàn ông “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” của chị em, mọi khó khăn nặng nhọc anh đều giành làm hết. Không chỉ thế, anh còn ga-lăng và vui vẻ với mọi người, nên chỉ sau một năm làm chung, chị đã “say” anh.
Chị ngỏ lời yêu anh, anh bảo cũng yêu chị từ lâu, nhưng mặc cảm “trai tỉnh lẻ” nên chẳng dám mở miệng. Họ cưới nhau trong hoàn cảnh khốn khó, bởi cha mẹ anh già yếu, hai em gái còn đi học. Cưới xong, họ được gia đình vợ cho một căn nhà riêng nho nhỏ ở ngoại ô. Hằng ngày họ chở nhau sáu cây số vào thị xã làm việc.
Tuy nhiên, sau khi kết hôn, anh không còn là người đàn ông ga-lăng, lịch sự với vợ nữa. Anh thường đi ăn trưa một mình hoặc cùng đồng nghiệp nữ chứ không rủ chị đi chung như thời còn yêu nhau. Công việc hằng ngày, anh không giúp chị như xưa, thậm chí anh không chở chị đến công ty nữa, với lý do: “Anh phải đến sớm để giải quyết nhiều việc khác”.
Chị chẳng biết “việc khác” của anh là việc gì, dù chị đang mang bầu tháng thứ tám nhưng vẫn tự chạy xe đi làm. Nhiều trưa mệt quá, không tự đi ăn được thì chị gọi cơm văn phòng giao tận nơi. Thế nhưng, anh chỉ cư xử lạnh nhạt với vợ, còn đối với các chị em khác, anh vẫn là một người đàn ông ga-lăng, lịch sự, vẫn mua đồ ăn thức uống mang đến tận nơi cho họ vì cho rằng “ngoại giao là phải thế”.
Trong kinh tế gia đình, anh lên hẳn danh sách sinh hoạt phí hằng tháng của anh. Nào dầu gội, xà bông giặt, gạo, nước mắm, bột nêm, tiền chợ, tiền wifi, điện, nước, truyền hình cáp… anh chia đôi sòng phẳng rồi “gửi” chị đúng phí sinh hoạt của mình. Anh bảo: “Khối người lấy chồng phải nuôi chồng kìa, tôi trả phần tôi là em may mắn lắm rồi đấy!”. Rồi họ ly hôn khi con trai được hơn một tuổi, bởi chị không thể chịu nổi sự “may mắn” do anh ban phát.
Tại tòa, anh đòi tiền công… làm chồng suốt hai năm qua, lại còn trơ trẽn bảo: “Nhờ tôi mà cô ấy mới có con, không thôi đi thụ tinh nhân tạo cũng tốn trăm triệu”. Nhưng chẳng pháp luật nào đồng ý lập luận đó, trái lại anh còn phải cấp dưỡng cho đứa bé đến khi nó mười tám tuổi.
Ba năm sau ly hôn, chị gặp một người sẵn lòng yêu thương mẹ con chị, bởi anh cũng đã đi quá nửa đời người với bao thăng trầm. Chị lấy chồng mới, không rình rang như lần đầu, nhưng được cha mẹ hai bên cùng bạn bè hết sức hoan nghênh. Thế mà, dù chị đã chuyển sang chỗ làm khác, chồng cũ của chị bắt đầu hỏi thăm bạn bè về chồng mới của chị rồi đem ra so sánh với mình.
Sau đó, anh ta mặc sức chê bai: “Tay đó chả xứng vậy mà cũng ưng, chắc sẽ không sống với nhau được mấy ngày đâu”. Bạn bè hỏi sao anh ác khẩu vậy, không chúc phúc thì thôi, còn nói ra nói vào? Anh bảo anh nhân danh… chồng cũ, chỉ muốn mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho chị thôi.
Rồi để làm dày lên sự “hạnh phúc” đó, lâu lâu anh lại up những bức ảnh thời anh chị mới cưới, đi hưởng tuần trăng mật, thời anh chị mới sinh con, kèm những dòng trạng thái rất ngọt ngào. Bạn bè bảo anh dừng lại, vì chị đã có gia đình mới, anh rồi cũng sẽ có người vợ khác. Nhưng anh lại cho rằng phải làm như vậy thì “thằng kia” mới biết rằng anh - chồng cũ, sẵn sàng “chơi tới bến” với thằng nào không đối xử tốt với chị.
Dạo gần đây nghe tin anh có người yêu, chị cũng mừng vì cho rằng anh sẽ hết làm phiền mình. Nhưng hôm nay bổn cũ soạn lại, chị thấy nản vô cùng. Chồng mới của chị bảo rằng, vì anh ta đang tiếc em quá nên làm chuyện thiếu suy nghĩ thôi. Để đáp lại “tấm chân tình” ấy, chúng ta phải sống thật vui vẻ và hạnh phúc cho khỏi phí công anh ấy lo lắng chứ.