Đọc bài Vợ đi “chữa lành”, chồng nói giống “sụt hố đa cấp” của tác giả Nguyệt An, tôi hoang mang trước viễn cảnh của nhà mình, vì tôi vừa phát hiện vợ đã đóng tiền tham gia khóa học chữa lành trên mạng.
Điều kiện kinh tế gia đình tôi chưa cho phép vợ bỏ tiền ra để… chữa lành cho vui (ảnh minh họa) |
Khi biết vợ chuyển học phí bằng một tháng lương của cô ấy, tôi đã sốc. Tôi hỏi vợ có bị tổn thương tâm lý hay áp lực quá lớn từ gia đình và công việc không, hay có những buồn phiền gì mà không thể chia sẻ với chồng con… vợ chỉ cười: “Em không sao. Em học cho vui thôi”.
Tôi không nghĩ vợ tôi lại hồn nhiên đến như vậy, khi mà điều kiện kinh tế gia đình tôi chưa cho phép bỏ tiền… cho vui. Kiểm điểm mình, tôi tự thấy trong vai trò người chồng, tôi cũng đâu tệ. Tôi luôn chia sẻ việc nhà cùng vợ, giành phần trông hoặc chơi cùng con để cô ấy nghỉ ngơi nhiều hơn. Những ngày đặc biệt của gia đình, tôi đều nhớ và mua quà tặng vợ hoặc dẫn cả nhà đi du lịch đâu đó. Cô ấy không phải làm dâu, đôi bên nội ngoại cũng ổn thoả. Chính vợ tôi từng nói cô ấy hài lòng về cuộc sống gia đình. Vậy mà bây giờ vợ phải đi học chữa lành. Có phải vợ tôi rảnh quá không.
Thấy tôi gay gắt, cuối cùng vợ cũng thú nhận cô ấy đi học "cho có bạn" với Thủy (bạn thân của vợ). Hơn nữa có Thủy là thành viên giới thiệu nên vợ tôi sẽ được hưởng những ưu đãi hấp dẫn.
Tôi ngây người, chữa lành cũng cần bạn học sao? Với Thủy thì tôi có thể hiểu được, cô ấy đang tổn thương tâm lý nặng nề sau khi ly hôn. Chồng cô ấy cặp bồ, có con riêng bên ngoài khiến Thủy sốc nặng.
Nhưng tôi không hiểu sao những người có trình độ như Thủy, như vợ tôi lại không đi khám tâm lý mà lại chọn đi học chữa lành với “một chuyên gia trên mạng”. Tôi không có ý bài xích gì, chỉ đơn giản là tôi thấy yên tâm hơn với các bác sĩ và chuyên gia được đào tạo bài bản. Còn trên mạng, người giỏi đương nhiên có, nhưng “chuyên gia tự phong” cũng lắm, không biết đâu mà lần.
Chữa lành đang là "trend" trên mạng xã hội (ảnh minh họa) |
"Chữa lành" đúng như tên gọi là sự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương để trở về trạng thái bình an, mãn nguyện, từ đó giúp mỗi người tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa, sống lạc quan. Còn vợ tôi, cô ấy được chồng yêu thương, chiều chuộng, con ngoan ngoãn, nhà cửa êm ấm… thay vì đi học chữa lành, sao cô ấy không đi tập thể dục, đọc sách, dành thời gian chơi với con? Hay là thẳm sâu bên trong vợ tôi đang có vướng mắc nặng nề về mặt tâm lý nên cô ấy thật sự cần chữa lành?
Tôi có nói gì vợ vẫn một mực “anh không hiểu gì về em cả”. Rồi cô ấy buột miệng: “Em đang học khóa rẻ nhất đấy. Khóa của Thủy mắc gấp mấy lần của em, mỗi lần Thuỷ đi du lịch chữa lành, bạn ấy còn phải đóng thêm phí”.
Tôi giật mình nhìn vợ. Mắc gấp mấy lần, tức là Thủy đã ném vào khóa chữa lành đến vài chục triệu đồng. Đã vậy, việc giới thiệu thêm thành viên, họ lại được hưởng ưu đãi, giảm giá, quà tặng.
Bài báo của tác giả Nguyệt An cho tôi động cơ để dứt khoát can thiệp việc học chữa lành của vợ. Tôi thấy trên mạng xã hội có rất nhiều người chẳng "rách" gì nhưng cũng "đu trend" học chữa lành. Rồi khi trở về hành xử khác thường, chồng con không nhận ra nữa. Tôi rất sợ sự xáo trộn bởi tôi thấy cuộc sống của mình đang bình yên. Tôi muốn vợ đòi lại tiền và... ở nhà cho lành.