Vừa nói yêu vợ tháng trước, tháng sau chồng đã đòi ly hôn
Ngày yêu và quyết định cưới người chồng hiện tại, bố mẹ tôi dù không ngăn cản quyết liệt nhưng luôn tỏ ra lo lắng cho con gái duy nhất trong nhà. Mẹ nói nhìn chồng tôi có vẻ không chung thủy. Tôi chỉ cười bảo mẹ đa nghi. Nhưng sau này, vài lần chồng có thói trăng hoa, tôi bắt đầu ngẫm lại lời mẹ nói.
Khi tôi sinh đứa con thứ nhất, chồng đã léng phéng với cô người yêu cũ. Dù chuyện chưa đi quá xa nhưng tôi thực sự cảm thấy lo lắng và không an tâm. Tôi dùng mọi lời lẽ và mang cả chuyện ly hôn ra dọa chồng. Một thời gian sau, chồng rất chuyên tâm lo cho gia đình, không còn nghĩ đến chuyện lăng nhăng.
Công việc của cả hai chỉ là làm công ăn lương nhưng thu nhập của tôi ổn hơn chồng. Trong nhà có việc gì lớn cũng là tôi một tay lo liệu và tính toán kinh tế.
Sinh đứa con thứ hai, tôi lại phát hiện chồng thích tụ tập bạn bè bia rượu rồi thi thoảng ôm ấp mấy em tiếp bia. Tôi phát hiện thông qua một lần đọc tin nhắn trên hội nhóm Facebook của chồng. Từ đó, tôi cấm anh tham gia các cuộc nhậu nhẹt, cấm anh chơi với hội bạn mà tôi cho là không lành mạnh.
Cách đây vài tháng, tôi thấy anh lo nghĩ nhiều, gầy đi trông thấy. Tôi hỏi anh có chuyện gì thì anh không nói. Nửa đêm tôi tỉnh giấc thì thấy anh hay xem điện thoại, có vẻ mất ngủ. Những ngày sau đó, tôi cảm nhận chồng khang khác. Anh rất quan tâm, lo lắng cho vợ, còn liên tục nói lời hay ý đẹp. Có hôm anh ôm tôi vào lòng và chảy nước mắt, nói rằng cảm ơn vợ, cả đời này dù có chuyện gì anh cũng không bao giờ phụ vợ. Tôi nghe mà bất ngờ.
Ngày hôm sau, tôi vào điện thoại của chồng xem lịch sử thì phát hiện anh hay tìm những nội dung liên quan bệnh ung thư. Lúc tôi hỏi anh mới thú nhận. Đợt này sức khỏe anh yếu, có nhiều dấu hiệu lạ. Anh nghi mình bị bệnh nặng nên hay lên mạng tìm hiểu. Anh thấy các dấu hiệu của mình rất đúng với những gì trên mạng viết nên nghĩ mình đã thực sự mắc bệnh. Hai tuần đó, sức khỏe anh sa sút, cân sụt liên tục.
Tôi thuyết phục và đưa chồng đi khám. Bác sĩ nói, anh chẳng có bệnh gì. Lúc đó chồng mới thở phào nhẹ nhõm.
Tưởng sau vụ đó, anh sẽ không còn mải chơi, chuyên tâm gia đình, chung thủy với vợ nhưng ai ngờ...
Anh lại chứng nào tật ấy, vui chơi tối ngày như thể ăn mừng chuyện anh không bị bệnh nặng. Và rồi, sau đó hơn 1 tháng, anh về nói với vợ rằng mình muốn ly hôn. Tôi choáng váng nghe anh giải thích rằng anh trót qua lại với cô người yêu cũ, giờ cô ta đang mang bầu. Anh muốn ly hôn để quay về bên người cũ vì anh vẫn chưa quên được tình đầu.
Nghe lời anh nói, có vẻ anh yêu cô ta thật lòng, tình cảm với vợ đã cạn. Nhìn người chồng mình hết lòng yêu thương lo lắng, tôi cảm thấy đau khổ vô cùng. Thực sự tôi không dám tin sao đàn ông có thể thay đổi nhanh như thế? Khi anh nghĩ mình bệnh tật, anh thề thốt yêu đương. Biết mình không sao, anh lại tiếp tục thói trăng hoa, ngoại tình.
Nghĩ lại, tôi chỉ biết nhìn anh rồi cười khẩy một cái, gật đầu ký vào đơn ly hôn. Sự bao dung của tôi như vậy là quá đủ. Tôi không thể chấp nhận một người đàn ông như thế mãi. Tôi tin rằng, anh sẽ nhận sự trả giá thích đáng.
Họ mới ly hôn được... hai ngày
Sau trận cãi vã, Nga âm thầm làm đơn ly hôn rồi đưa cho Thành: “Ký đi!”. Thành ngỡ ngàng nhìn Nga định phản công thì Nga tiếp: “Là đàn ông thì phải giữ sỹ diện, khi người đàn bà đã chán ghét muốn vứt bỏ thì đừng cố níu kéo”.
Vốn định nói lời xin lỗi, nhưng khi nghe Nga nói thế, Thành bỗng nhiên thay đổi toàn bộ quyết đinh. “Tôi mà phải níu kéo cô ư? Cô nghĩ gì thế!”.
Một phiên tòa tạm thời được mở ra trước hai con người có lòng kiêu hãnh lớn nhất trái đất. Con cái, mỗi người nuôi một. Nhà có hai cái, mỗi người giữ một. Thỏa thuận thế là xong! Có lẽ chưa bao giờ có một thỏa thuân ly hôn dễ dàng đến thế, vì họ sở hữu những thứ có thể “chia đôi”. Hai con gái sinh đôi, mỗi người nuôi một, chẳng phải rất tiện đó sao?
Phiên tòa cuối cùng, hai cô con gái nhìn nhau ngơ ngác. “Thế chị có sang nhà em chơi nữa không?”. “Chị không biết bố có cho không”. “Hay là chị tự đạp xe sang”. “Hay là em sang nhà chị”… Những câu nói lưu luyến, trao đổi bị ngắt quãng khi bố mẹ chúng ra kéo tay mỗi đứa về một ngả.
“Anh đừng nghĩ tôi vì con mà không dám bỏ anh nhé, cứ chờ xem”. Nga thầm nghĩ khi dắt tay đứa con của mình đi về phía nhà của cô, đứa con sinh đôi còn lại đi theo Thành nhưng cứ ngoái lại nhìn em và mẹ. Nó thấy mẹ đi thẳng không thèm nhìn nó một lần. Nó khóc. Thành mắng: “Bây giờ con không liên quan gì đến người mẹ ấy nữa, đừng có tiếc nuối làm gì”. Con bé chẳng hiểu lắm với từ “không liên quan” mà bố nó vừa nói. Nó chỉ thấy nhớ mẹ, nhớ em.
Hôm sau, con bé dậy rõ sớm. Thành bảo: “Ngủ thêm đi con”. Nó trả lời bố: “Con háo hức đi học để được gặp em”. Tim Thành nhói đau. Hai cô bé sinh đôi, học chung một lớp, mặc chung một kiểu áo váy, tết tóc cũng cùng kiểu, thậm chí lúc ốm chúng cũng ốm cùng nhau… Đêm chúng ngủ với nhau, thì thầm, trò chuyện. Giờ chúng lại phải chờ đợi để được gặp nhau ở lớp.
Buổi chiều khi đón con, Thành đứng một góc, Nga đứng một góc chờ hai đứa con tan học. Khi bọn trẻ đi ra, chúng cứ nắm tay nhau mãi không chịu buông. “Bố, mẹ, cho con chơi với em một lúc nữa ở sân trường, được không?”. “Không, về thôi”. Thành dứt khoát, Nga cũng dứt khoát: “Về thôi”. Hai đứa trẻ vẫy tay tạm biệt nhau: “Mai gặp lại chị nhé”.
Nhưng hôm sau, cô chị bị ốm không thể đến trường. Thấy con ốm, Thành đoán ngay đứa ở cùng với Nga cũng ốm. Nghỉ việc ở nhà trông con, nhìn con thiêm thiếp mệt mỏi trên giường, tay vẫn giữ chặt con hạc giấy mà hôm qua ở lớp em nó gấp tặng. Thành khóc. Là đàn ông, không thể bị mất sỹ diện với đàn bà, nước mắt này là nước mắt của riêng Thành, Nga sẽ không bao giờ nhìn thấy. Thành nhớ đứa bé, thương đứa lớn, nhưng vì lòng kiêu hãnh đành phải chôn thật chặt trong lòng. “Cô thấy bình thường với cách này ư? Thậm chí cô còn chẳng buồn hôn con bé khi chia tay nó”. Thành thầm trách Nga. Nỗi xót xa cứ thế trào lên cùng dòng nước mắt.
“Bố, con nghĩ em cũng ốm như con, bố chở con sang nhà mẹ đi”. “Ừ, để bố đưa con sang”. Thành cõng con đi nửa vòng bờ hồ là tới nhà vợ. Chỉ có con bé với bà ở nhà. Nhìn thấy em, cô chị nhảy từ lưng bố xuống đất chạy vào. Chúng ốm, nhưng chúng vui vẻ, hạnh phúc khi có nhau.
Thành quẳng cái ba lô của con vào tủ rồi định đi làm. Chiếc váy ngủ mầu xanh đập vào mắt anh. Đó là chiếc váy ngủ đầu tiên Thành mua tặng Nga cách đây đã mười năm, cô vẫn giữ nó như còn mới. “Hình như 10 năm rồi mình chưa từng tặng quà cho cô ấy”. Thành nghĩ, cảm thấy mình thật vô tâm.
“Nga đi làm rồi hả bà?”. Thành hỏi mẹ vợ. “Đâu, nó chạy sang bên nhà con đấy, vì biết thế nào con bé cũng ốm”. “Thế để con về mở cửa”. Thành bước thật nhanh bên bờ hồ, nơi cả nhà bốn người thường đi dạo, ăn kem vào những ngày nghỉ. Anh chạy về nhà.
Nga đứng trong nhà, ngay trước cái móc treo đồ của Thành. Trên tay cô là cái khăn len cô đã mua cho anh từ bốn năm trước, cũ kỹ, sờn bạc. “Anh ấy vẫn dùng nó ư? Tưởng ghét mình thì sẽ vứt hết đi chứ”. Thấy bóng Thành, Nga vội vã treo cái khăn lên vị trí cũ.
Họ đứng nhìn nhau, một người ở trong, một người ở ngoài, cách nhau vài viên đá hoa dưới chân. “Nga…”. Thành chỉ nói được có thế. Anh bước nhanh vào trong, dang tay ôm lấy người đàn bà kiêu hãnh của mình. Nước mắt Nga không ngừng rơi trên vai anh. Họ mới ly hôn được hai ngày.