Nguyên tắc hoạt động của vòng tránh thai
Vòng tránh thai được đưa vào buồng tử cung. Tại đây sẽ diễn ra những thay đổi về mặt sinh hóa, nội mạc tử cung tiết dịch làm hormone prostaglandin tăng lên, do đó tinh trùng không thể đến tử cung, ngăn cản sự thụ tinh.
Ngoài ra, vòng tránh thai còn chứa thuốc như đồng hoặc progesterone ảnh hưởng đến quá trình di chuyển và sống sót của tinh trùng khiến sự thụ tinh bất thành. Phương pháp tránh thai này có hiệu quả khá cao, thường trên 95%, hiệu quả trên 5 năm, không ảnh hưởng đến quá trình quan hệ tình dục của cặp đôi.
Thời điểm thích hợp đặt vòng tránh thai
Phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục, chưa qua sinh nở không nên đặt vòng tránh thai.
Phụ nữ sau khi sinh thường muốn sử dụng biện pháp tránh thai này cần chờ khoảng 4-6 tuần để tử cung hồi phục trở lại, chưa quan hệ tình dục sau sinh có thể đặt vòng hoặc đặt ngay khi kinh nguyệt xuất hiện trở lại.
Với chị em sinh mổ, chỉ nên đặt vòng tránh thai khi không dùng được các biện pháp tránh thai khác. Bạn sẽ phải chờ hơn 12 tuần sau đẻ và sau khi có chu kì kinh đầu tiên sau sinh mổ mới đặt vòng. Đây là thời điểm tử cung đã hồi phục hoàn toàn.
Phụ nữ sau hút thai, phá thai cũng có thể đặt vòng tránh thai khi sức khỏe bình phục và chu kì kinh trở lại đều đặn.
Còn với chị em bình thường khác có thể đặt vòng tránh thai ngay khi sạch kinh, không quan hệ trong giai đoạn có ý định đi đặt vòng, vì lúc này cổ tử cung hơi hé mở giúp việc đưa vòng vào buồng tử cung dễ dàng, ít đau, ít chảy máu sau khi đặt hơn.
Sau khi đặt vòng cần làm gì?
Sau khi đặt vòng tránh thai, chị em cần nằm nghỉ tại chỗ 10-15 phút để theo dõi có biến chứng gì không. Bạn sẽ được kê thuốc chống co thắt, nhiễm trùng để sử dụng trong 5-7 ngày đầu sau đặt vòng. Trong tuần đầu tiên, chị em cần được nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc nặng, lên xuống cầu thang, tập thể thao, quan hệ tình dục để vòng tránh thai được định vị ổn định trong buồng tử cung. Hiện tượng ra máu, đau bụng nhẹ không phải là dấu hiệu nghiêm trọng, chị em cứ bình tĩnh và tiếp tục tái khám theo lịch sau 2-4 tuần, 3-6 tháng đặt vòng.
Đối tượng không nên đặt vòng tránh thai
- Phụ nữ đang trong thời gian điều trị viêm nhiễm phụ khoa hoặc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Người bị dị dạng tử cung, có bệnh lý ác tính đường sinh dục, sa sinh dục.
- Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung, đang nghi ngờ có thai, bệnh tim mạch hoặc dị ứng với chất đồng.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi đặt vòng
Đặt vòng là phương pháp tránh thai hiệu quả, tuy nhiên vẫn có những tác dụng phụ nhất định. Những biểu hiện này có thể khắc phục dễ dàng để cơ thể dần thích nghi với “chiếc vòng mới”
- Đau bụng dưới: Là phản ứng bình thường khi có vật lạ được đưa vào cơ thể. Bạn sẽ được bác sĩ kê thuốc chống co thắt và giảm đau bụng ngay sau đó. Nếu cơn đau nặng, kéo dài có thể do vòng bị đặt lệch vị trí, vòng quá cỡ, bị nhiễm trùng… chị em cần đi khám ngay.
- Ra huyết âm đạo: Sau khi đặt vòng, chị em thường ra huyết trong 5-7 ngày. Nếu tình trạng này kéo dài trên 1 tuần thì cần tái khám kiếm tra vị trí vòng đã ổn định hay cần tháo vòng.
- Viêm nhiễm phụ khoa: Khí hư có mùi hôi, sốt nhẹ. Việc tái khám sẽ giúp chị em được xử lý vấn đề này nhanh chóng.
Ngoài ra cũng có một vài biến chứng ít gặp khác khi đặt vòng như: vòng rơi vào ổ bụng, có thai hoặc thai ngoài tử cung.
Đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai an toàn, phổ biến; phù hợp với chị em ngại uống thuốc tránh thai hàng ngày hay sử dụng bao cao su. Việc đặt vòng cần được thực hiện ở cơ sơ y tế chuyên khoa, có sự hướng dẫn và theo dõi thường xuyên của bác sĩ sản phụ khoa. Khi bạn muốn mang thai trở lại, áp dụng biện pháp tránh thai khác hay có dấu hiệu mang bầu có thể tháo vòng ra nhanh chóng.