Tới dự lễ công bố có Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên lợn, có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa và mọi giống lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường, đường truyền lây phức tạp. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh trên đàn lợn.
Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông nghiệp, lương thực Liên hiệp quốc (FAO), bệnh DTLCP được coi là mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu.
Kể từ năm 2016 đến nay, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng, bùng phát bệnh DTLCP, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn tại các châu lục; ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái, môi trường, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động thương mại quốc tế.
Hơn 100 năm qua kể từ khi bệnh DTLCP được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh DTLCP và phát triển vaccine được công bố trên thế giới; tuy nhiên, chưa có vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP.
Tại Việt Nam, bệnh DTLCP lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020. Đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.
Ngay từ khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống và nghiên cứu sản xuất vaccine. Bộ NNPTNT chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP.
Đầu tháng 11/2019, các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch bệnh này của Việt Nam.
Từ tháng 7/2020, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus DTLCP nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh ASF tại Việt Nam.
Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASF-G-Delta I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 9/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. Qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ. Còn trong điều kiện sản xuất có 80% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ.
Bộ NNPTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.
Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam.
Ngày 17/5/2022, Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, đánh giá chất lượng vaccine cho các đối tượng lợn khác nhau, độ ổn định của vaccine trong các điều kiện bảo quản, sử dụng; đánh giá các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả vaccine trong điều kiện sản xuất, chăn nuôi.
Có thể khẳng định, nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP là sự kiện quan trọng, ghi nhận sự nỗ lực của Bộ NNPTNT, ngành thú y, các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam trong hội nhập quốc tế sâu rộng, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi lợn phát triển.