Nguy kịch vì cái mụn
Bệnh nhân Nguyễn Hoàng H. (16 tuổi, Hà Nam), nhập viện trong tình trạng sốt cao 2 ngày điều trị ở tuyến dưới không đỡ và được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới trung ương do nhiễm khuẩn huyết.
Theo người nhà bệnh nhân, H. trước đó ở gần vùng đầu gối của H. có một cái mụn nhỏ nhưng có đầu trắng nên H. đã tự nặn mụn. Hai hôm sau chỗ mụn sưng đỏ và H. sốt cao. Người nhà cho uống thuốc hạ sốt không đỡ nên đưa vào viện. Bệnh nhân nhanh chóng suy hô hấp và sốc nhiễm khuẩn, hôn mê sâu.
Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm trùng huyết nặng nên chuyển tuyến. Khi lên tới bệnh viện, không chờ kết quả xét nghiệm cấy máu, các bác sĩ đã điều trị theo phác đồ sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết.
Bệnh nhân được sử dụng các thuốc kháng sinh kết hợp và thuốc vận mạnh. Kết quả cấy máu dương tính với Staphylococcus Aureus, đúng với dự đoán nhiễm tụ cầu vàng trước đó bác sĩ đã nghi ngờ.
Sau 2 tuần nằm viện, bệnh nhân mới được ra viện. Trường hợp này bệnh nhân may mắn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng máu có thể do một vết thương nhỏ xíu trên da. Thậm chí, có trường hợp vết thương trên da đã liền sẹo nhưng vẫn bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu gây ra.
Không ít trường hợp bệnh nhân chỉ vì một cái mụn, cái nhọt mà nguy hiểm cả tính mạng do tụ cầu vàng xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Thạc sĩ Cấp thông tin: "Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gây ra do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn huyết có thể gây tử vong rất nhanh, tỷ lệ tử vong từ 20 đến 50 %, trong đó sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn huyết".
Cảnh giác vết thương nhỏ trên da
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đặc biệt là trẻ nhỏ bị nhiễm trùng huyết chỉ vì những vết thương nhỏ xíu trên da.
Bác sĩ Hiền kể bệnh nhi mới đây nhất là bé Nguyễn Thị L. (6 tuổi) được người nhà đưa vào viện trong tình trạng sốt, mắt sưng do viêm mắt. Gần vùng khoé mắt của bé L. có một vết thương nhỏ xíu như đầu đũa.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tiếng nhập viện cháu nhanh chóng diễn biến xấu rơi vào suy hô hấp và hôn mê. Với kinh nghiệm của mình, các bác sĩ nghi ngờ cháu bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.
Bé nhanh chóng được đưa xuống khoa hồi sức tích cực và điều trị theo phác đồ nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, bác sĩ Hiền cho biết trường hợp của bé L. khi cấy xét nghiệm vi khuẩn thì âm tính, không lên vi khuẩn nào.
Trường hợp này không phải hiếm vì có nhiều trường hợp khi cấy vi khuẩn nhưng không lên và bé vẫn được điều trị theo phác đồ nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Hiền cho biết với trường hợp này, các bác sĩ nghi ngờ do vi khuẩn tụ cầu vàng – một loại vi khuẩn có ở trên da trẻ.
Bình thường vi khuẩn tụ cầu vàng thường cư trú trên da nhưng ít gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn tụ cầu dễ dàng xâm nhập gây các bệnh nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hiền vi khuẩn có thể xâm nhập vào bất cứ ai kể cả người già, người trưởng thành và đặc biệt là trẻ nhỏ. Vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ các ổ nhiễm khuẩn ở mô và cơ quan như: da, mô mềm, cơ, xương khớp, hô hấp, tiêu hóa…
Để phòng nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ Hiền khuyến cáo mọi người không nên nặn mụn cho trẻ. Đặc biệt là các mụn vùng mặt, tay, chân vì rất dễ trở thành con đường để vi khuẩn xâm nhập vào.
Khi có dấu hiệu sốt hoặc rét run cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay vì diễn biến nhiễm khuẩn huyết có thể rất nhanh. Có nhiều trẻ vừa vào viện đã bị sốc nhiễm khuẩn là biến chứng nặng nhất của nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Phòng nhiễm khuẩn huyết bằng cách không tự nặn, trích sớm những mụn nhọt nhất là đinh râu, hậu bối. Dùng kháng sinh sớm, đủ liều, có hiệu quả trong những bệnh có thể chuyển sang nhiễm khuẩn huyết (bệnh do tụ cầu, liên cầu, phế cầu, vi khuẩn đường ruột...).