Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, trao đổi chất và thải độc cơ thể. Gan bị tổn thương thì không thể chuyển đổi hiệu quả các chất dinh dưỡng. Nhờ gan làm việc, các chất dinh dưỡng mà chúng ta ăn vào như protein, chất béo... được trao đổi một cách bình thường.
Do đó, chế độ ăn uống hạn chế kích thích gan rất quan trọng để duy trì sức khỏe bộ phận này.
Một số thực phẩm có thể gây tổn thương cho gan:
Nguồn gốc động vật
Thịt đỏ, trứng và sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua ăn quá nhiều có thể khiến gan bị tổn thương. Khi đó, gan không thể chuyển hóa protein đúng cách và phá vỡ các axit amin trong cơ thể.
Nên chọn thịt nạc từ thịt gia cầm, protein không phải thịt như đậu, các loại hạt hay sữa đậu nành.
Mặn
Thực phẩm đóng hộp như súp, thịt hoặc rau, có nhiều muối và đường sẽ khiến cơ thể giữ nước. Để ngăn ngừa tổn thương gan, nên giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thay bằng tỏi, hạt tiêu hoặc gia vị khác.
Ăn thức ăn quá mặn sẽ làm tăng gánh nặng trao đổi chất của gan, ảnh hưởng đến tim gây các bệnh tim mạch và mạch máu não, dẫn đến các vấn đề về huyết áp. Người có vấn đề về gan, tim mạch hay huyết áp đều nên hạn chế ăn mặn, lượng khuyến cáo trong ngày 5-6 g muối.
Ngọt
Nếu có vấn đề về gan, bạn cần tránh ăn đường để gan không phải hoạt động quá vất vả. Lượng đường quá cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất bình thường của gan, khiến chất béo tích tụ trong gan tăng lên khiến gan nhiễm mỡ.
Hạn chế thực phẩm có đường như kẹo, kem, bánh và loại mặn như khoai tây chiên. Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ và có đường tự nhiên như dâu tây, cam hoặc táo.
Rượu
Nghiện rượu mạn tính là bước đầu gây tổn thương gan do ức chế hấp thụ chất dinh dưỡng. Người bị suy giảm chức năng gan càng cần phải tránh uống bia, rượu hoặc đồ uống chứa cồn.