Nếu không biết cách chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm và biến chứng do bệnh cúm.
Khi trẻ mắc cúm, hệ miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc dễ dẫn đến các biến chứng, bao gồm viêm đường hô hấp như viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát... hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và đặc biệt có khả năng gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh mạn tính.
Nếu nhiễm cúm A/H1N1 dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 thì gây viêm phổi nặng.
Khi trẻ bị sốt do cúm, cha mẹ không nên lo cuống cuồng mà phải bình tĩnh và có phương pháp chăm sóc con đúng cách. Hiện nay, các bà mẹ đưa con đến viện khám, thấy con sốt cứ đòi nhập viện là điều không nên bởi việc nhập viện sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà còn có nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn trong bệnh viện. Khi nhiễm trùng do vi khuẩn trong bệnh viện thì việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Vậy nên nếu thấy trẻ có biểu hiện cúm, cha mẹ cần thăm khám để được các bác sĩ tư vấn cách theo dõi điều trị tại nhà, vừa đỡ tốn kém mà bố mẹ cũng đỡ vất vả. Và điều quan trọng là con có môi trường sạch sẽ và được chăm sóc tốt hơn. Với những trường hợp có dấu hiệu nặng: trường hợp cúm gây viêm phổi hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó, bác sĩ sẽ cho nhập viện.
Làm thế nào để chăm sóc trẻ tốt nhất?
Dấu hiệu trẻ bị nhiễm virut cúm thường có biểu hiện chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho, sốt và trẻ vẫn chơi bình thường. Ở một số trẻ lớn có thể thấy đau cơ, đau mỏi chân tay, đau họng, ho và nhức ở hốc mắt...
Thông thường, khi nhiễm virut cúm, trẻ bị sốt cao và nhanh, thậm chí tới 39-40 độ, hơi thở không có mùi hôi, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt (chỉ dùng thuốc paracetamol).
Nếu dùng các loại thuốc khác phải dùng theo chỉ định của bác sĩ bởi dễ gây tác dụng phụ như đông máu, giảm tiểu cầu trong máu, thậm chí gây những biến chứng nguy hiểm như chảy máu, suy chức năng gan...
Vệ sinh đường hô hấp: Với trẻ lớn, có thể dùng dung dịch súc miệng thông thường hoặc dùng nước muối sinh lý để súc miệng, vệ sinh sạch đường hô hấp để tránh tình trạng bội nhiễm thêm vi khuẩn. Đối với trẻ không tự súc miệng được, cha mẹ có thể cho con nằm ngửa cổ tối đa, rồi nhỏ mũi mỗi bên vài giọt nước muối sinh lý, làm sạch đường họng-mũi giúp trẻ không bị bội nhiễm do vi khuẩn.
Cần bù nước và bổ sung vitamin: Khi trẻ bị sốt thường mất nước, cần bổ sung vitamin bằng cách cho trẻ ăn đồ lỏng giúp trẻ dễ hấp thu thức ăn và bù nước bằng việc uống nhiều sữa, nước hoa quả, oresol giúp trẻ hồi phục nhanh. Thông thường, khi bị sốt do virut, sau 2 ngày uống thuốc hạ sốt và bù nước, trẻ giảm triệu chứng rõ rệt và đỡ dần.
Nhưng khi trẻ sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, dùng thuốc hạ sốt có thể đỡ sốt nhưng trẻ vẫn nằm mệt mỏi, không chịu chơi - có thể trẻ dễ nhiễm vi khuẩn. Khi đó, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để làm thêm một số xét nghiệm đơn giản như công thức máu. Nếu thấy bạch cầu tăng cao, các thầy thuốc mới có chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
Còn trong các trường hợp viêm đường hô hấp do virut, đặc biệt là virut cúm, nếu cha mẹ tự ý cho con uống thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng mà còn dễ gây tình trạng kháng thuốc, việc điều trị sẽ rất khó khăn và gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Một điểm đáng lưu ý, cha mẹ thấy con bị cúm thì không nên tự ý mua thuốc tamiflu cho con uống bởi thuốc này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng không đáng kể nếu dùng sớm trong vòng 48 giờ đầu mắc cúm, còn nếu dùng muộn sau 48 giờ sẽ không có tác dụng gì.
Bệnh nhi bị cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh cúm, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin cúm, vệ sinh thân thể và đặc biệt giữ ấm cho trẻ khi ngủ, nhất là vào thời điểm lúc nửa đêm, trẻ hay vã mồ hôi và lạnh ở gan bàn chân. Cha mẹ cần chú ý lau mồ hôi khi con vã mồ hôi bởi lúc này nhiệt độ cơ thể bốc hơi sẽ gây lạnh, rất dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.
Cần cách ly trẻ bị cúm với những người trong gia đình ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng cúm. Trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, nên cho trẻ đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cảm cúm cho những người khác.
Trẻ mắc cúm thường nhưng sốt sau 7 ngày mà người bệnh vẫn không giảm hoặc tái sốt, cần đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.
Để phòng bệnh cúm, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin cúm, vệ sinh thân thể và đặc biệt giữ ấm cho trẻ khi ngủ, nhất là vào thời điểm lúc nửa đêm, trẻ hay vã mồ hôi và lạnh ở gan bàn chân. Cha mẹ cần chú ý lau mồ hôi khi con vã mồ hôi bởi lúc này nhiệt độ cơ thể bốc hơi sẽ gây lạnh, rất dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.
Cần cách ly trẻ bị cúm với những người trong gia đình ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng cúm. Trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, nên cho trẻ đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cảm cúm cho những người khác.
Trẻ mắc cúm thường nhưng sốt sau 7 ngày mà người bệnh vẫn không giảm hoặc tái sốt, cần đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.