Mẹ nên làm gì khi con nghiện điện thoại?
Dưới đây là 1 số lời khuyên cho bố mẹ:
1. Cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi khác
Bố mẹ có thể hướng dẫn cho con tham gia hoặc chính các bậc phụ huynh tham gia cùng trẻ vào các hoạt động tập thể như bơi lội, đá bóng, sinh hoạt các câu lạc bộ tập thể... một cách thường xuyên. Điều này có thể giúp trẻ nghiện smartphone rời xa màn hình điện thoại và cảm nhận được những điều thú vị khác trong cuộc sống
2. Thay thế điện thoại bằng những món đồ chơi
Đối với trẻ nhỏ, những món đồ chơi hữu ích nhưng không kém phần hấp dẫn như lego, trò chơi xếp hình, bảng số, bảng chữ, hình khối…có thể dễ dàng giúp bé quên đi chiếc điện thoại.
Theo đó bố mẹ có thể cùng chơi với trẻ để con cảm thấy vui vẻ hơn và không dễ nhàm chán. Một trong những lợi ích của các trò chơi này mang lại là góp phần tích cực vào sự phát triển trí tuệ của trẻ.
3. Phụ huynh không dùng điện thoại để kiểm soát cảm xúc của trẻ
Cảm xúc của trẻ nhỏ có thể thay đổi liên tục. Một trong những nguyên nhân trẻ nghiện điện thoại là do phụ huynh thường dùng smartphone để dỗ khi bé khóc hoặc khi cho bé ăn cơm.
Để tránh nguy cơ trẻ nghiện smartphone, các bậc phụ huynh nên thể hiện tình yêu và sự thấu hiểu để dỗ dành bé, giúp bé từ bình tĩnh khi khóc hoặc tập trung vào việc ăn cơm thay vì dùng một công cụ chi phối sự tập trung của trẻ.
4. Đặt ra quy định cho tất cả thành viên trong gia đình
Trẻ nghiện smartphone một phần là do thiếu sự tương tác của các thành viên trong gia đình. Phụ huynh hãy đặt ra những quy định cụ thể như: Không dùng điện thoại ở bàn ăn, dù là để trả lời tin nhắn hay cuộc gọi, không bật TV trong bữa ăn...
Quy định ày áp dụng cho tất cả, kể cả bố mẹ. Điều này có thể giúp các thành viên tương tác với nhau nhiều hơn và tình cảm sẽ gắn kết hơn. Quan trọng hơn cả đó là bố mẹ không nên cung cấp điện thoại cá nhân cho trẻ từ sớm.
Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo, không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào.
Qui định khoảng thời gian cụ thể mà con được phép dùng điện thoại. Trước khi cho con cầm điện thoại, bố mẹ cần nhắc lại quy định và nghiêm khắc cất điện thoại khi đã đến giờ. Với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế dưới 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức dưới 2 tiếng mỗi ngày.
5. Cài đặt hình nền kinh dị
Một "độc chiêu" đã rầm rộ trên mạng trong thời gian gần đây đó là sử dụng một bức ảnh kinh dị cài làm hình nền. Điều này sẽ khiến con khóc thét lên khi nhìn vào đó và sợ hãi không dám lại gần điện thoại nữa.
Được biết, cách cai điện thoại có một không hai này bắt nguồn từ một mẹ Thái Lan. Người mẹ này đã quay lại clip mời hai đứa con của mình xem điện thoại, thế nhưng thay vì hào hứng, sung sướng thì hai đứa trẻ lần lượt khóc ré lên vì sợ hãi.
Đơn giản là vì trước đó, hai bé đã được mẹ cho xem bức hình nền kinh dị trên điện thoại và bị ám ảnh đến mức thấy điện thoại là chạy xa. Tuy nhiên, đây không phải là cách mà mẹ nên làm, vì nỗi sợ hãi sẽ ám ảnh tâm trí trẻ rất lâu, vô tình tạo cho con trẻ những ký ức đáng sợ, thậm chí có thể khiến con giật mình khóc thét.
Lưu ý khi cai nghiện điện thoại cho trẻ
Nếu muốn cai điện thoại cho con, bố mẹ cũng không nên quá nóng vội mà phải thực hiện theo lộ trình bài bản, cắt dần thời lượng và thay thế bằng các hoạt động khác, từng chút một để đạt hiệu quả tốt nhất.
Việc đột ngột nghiêm cấm trẻ chơi điện thoại có thể không hiệu quả và gây ra các phản ứng ngược, khiến con cáu gắt, mè nheo, quấy khóc, bỏ ăn... bố mẹ sẽ càng mệt mỏi hơn.
Làm gì khi con nghiện điện thoại không phải là một vấn đề quá khó để giải quyết. Các bậc phụ huynh cần quyết tâm và nghiêm khắc với con để giúp trẻ nghiện smartphone nhanh chóng tìm thấy những niềm vui từ cuộc sống thực bên ngoài.