“Tâm địa” ở đây mang ý nghĩa chỉ “tâm” tựa như một khối đại địa (miền đất). Tâm địa thiện lương chính là khối đại địa có khả năng bồi dưỡng ra hết thảy đạo đức tốt đẹp khác của con người.
Triết học gia triều nhà Minh, Vương Dương Minh từng viết trong gia huấn: “Phàm tố nhân, tại tâm địa; tâm địa hảo, thị lương sĩ; tâm địa hoại, thị hung loại”, ý nói làm người điều quan trọng ở tâm địa, tâm địa tốt là người lương thiện, tâm địa xấu là người hung ác. Ông cho rằng làm một người tốt là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Ông ví lương tâm của con người giống như cuống của quả trên cây, nếu lương tâm mà hủ bại thì cũng giống như cái cuống bị thối và quả sẽ bị rụng mất.
Vương Dương Minh cho rằng tâm địa của một người là tối quan trọng. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái. Chỉ những người cha mẹ có tâm địa thiện lương mới có thể bồi dưỡng nên những người con thực sự ưu tú, thiện lương và là nền tảng để con có được phúc báo.
Ông còn nói rằng, người thiện lương bởi vì trong tâm luôn thanh sạch và ôn hòa nên thường thường sẽ có được nhân duyên tốt lành, càng có nhiều bạn tốt hơn người khác. Người thiện lương luôn có ranh giới giữa ác và thiện, không đi làm hại người khác, cho nên họ cũng tự nhiên không có kẻ thù. Bởi vậy, theo ông giáo dục để con cái trở thành người lương thiện chính là tích phúc báo cho con cháu sau này.
Trong lịch sử, nhà nho lỗi lạc, một danh thần dưới triều Mãn Thanh – Tăng Quốc Phiên cũng là một người vô cùng yêu mến tài năng. Ông từng phát hiện và tập hợp được nhiều nhân tài cho triều đình như Tả Tông Đường, Lý Hồng Chương… Nhưng Tăng Quốc Phiên có một nguyên tắc “bất di bất dịch”, đó là nếu tài mà bất lương thì kiên quyết không dùng.
Trong “Tăng Quốc Phiên gia thư”, Tăng Quốc Phiên viết rằng: “Họa phúc do Trời định đoạt, thiện ác do con người nắm giữ. Những điều ông Trời định đoạt thì con người không thể thay đổi được mà chỉ có thể thuận theo, còn những điều mà con người nắm giữ thì chỉ có thể làm được phần nào hay phần nấy, chỉ có thể kiên trì ngày này qua ngày khác”. Đời người, họa phúc biến hóa khôn lường, bởi vậy, chỉ có làm người lương thiện là lựa chọn thông minh nhất, bởi vì chỉ có hành thiện thì lòng mới yên, mới có được phúc báo.
Từ cách đây mấy trăm năm, nhà triết học thiên tài Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã khẳng định: “Trong thẳm sâu trái tim của mỗi con người đều có khởi nguồn của Pháp luật và Đạo đức”.
Nói cách khác cho dễ hiểu lời của J.J.Rousseau là: Con người ta sinh ra vốn tính thiện, tính trong sạch, nên nếu ta biết dựa vào cái gốc biết tôn trọng Pháp luật và tôn trọng Đạo đức đang nằm ngủ ở thẳm sâu trái tim con người mà ta tìm cách giáo dục, tìm cách rèn luyện, tìm cách hướng dẫn thì sẽ thành công.
Vai trò của giáo dục gia đình, của giáo dục trong các trường học, giáo dục của xã hội, của đoàn thể sẽ giúp người thanh niên lớn lên sống vững vàng, sống bình an trong sự bảo trợ của pháp luật và đạo đức.
Họ tự do vươn cao trong cuộc đời, không hề phải lo lắng đến những góc tối, những mặt trái của cuộc đời. Vì sao? Vì Pháp luật và Đạo đức chính là 2 bảo bối thần diệu với sức mạnh vô địch đã cai quản loài người hàng nghìn năm nay, giúp cho con người ở các châu lục ngày càng vươn lên, ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện.
Nhạc sỹ thiên tài người Đức – Ludwing Van Beethoven (1770 – 1827) đã hoàn toàn có lý, hoàn toàn thuyết phục nhân loại khi ông viết: “Hãy dạy đạo đức cho con cái anh, vì chỉ có đạo đức mới làm cho chúng được hạnh phúc, chứ không phải là vàng bạc” (Recommend to your children virtue: that alone can make them happy, not gold).