Sáng nay, giới giải trí Việt xôn xao trước thông tin nam ca sĩ, nhạc công Huy Bảo - cựu thành viên nhóm 18B Band - qua đời trong giấc ngủ hồi 2h ngày 30/8 do đột quỵ. Nam ca sĩ ra đi ở tuổi 32 với bao ước mơ hoài bão khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp cùng khán giả không khỏi xót xa và bàng hoàng vì quá đột ngột. Vậy đột quỵ ở người trẻ là gì? Làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm?
Đột quỵ ở người trẻ là gì?
Trong chuyên ngành đột quỵ, người trẻ là những người dưới 45 tuổi. So với cộng đồng người bệnh nói chung, người trẻ có những đặc điểm, những căn nguyên gây đột quỵ ở người trẻ trở nên đặc thù hơn, chẳng hạn những bệnh lý về di truyền - đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Đột quỵ có mấy loại? Đối với đột quỵ có thể chia làm 3 loại bao gồm:
- Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là đột quỵ nhồi máu não. Đây là loại đột quỵ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
- Đột quỵ chảy máu não, tức là mạch máu não vỡ ra và gây chảy máu trong não.
- Đột quỵ chảy máu dưới nhện.
Vì sao người trẻ bị đột quỵ?
Người trẻ là những người tạo ra giá trị phần lớn cho xã hội. Lối sống ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, áp lực công việc khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng. 71% những người sau đột quỵ sẽ mất/giảm sức lao động. Tình trạng đột quỵ ở người trẻ xảy ra nhiều và đang trở nên đáng báo động.
Một trong những căn nguyên gây đột quỵ ở người trẻ là những căn nguyên bệnh lý di truyền hoặc có những tổn thương dị dạng mạch máu não. Đây là những dị dạng xuất phát ngay từ khi bệnh nhân còn nhỏ nhưng trong cuộc sống hàng ngày không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân cũng không chụp mạch máu não để phát hiện sớm những dị dạng đó. Khi nhập viện trong tình trạng đột quỵ, lúc này bệnh nhân mới được chụp mạch máu não và phát hiện dị dạng.
Nguyên nhân hay gặp gây đột quỵ ở người trẻ là:
- Tăng huyết áp do lối sống sinh hoạt hàng ngày. Đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng do stress trong đời sống hàng ngày, chế độ ăn lười vận động.
- Một số căn nguyên do di truyền như bệnh lý tim mạch, bệnh lý dị dạng mạch máu não hình thành tổn thương ngay từ khi còn nhỏ.
Làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm?
Hội đột quỵ thế giới hình thành nên bộ dấu hiệu áp dụng cho cộng đồng có thể biết bệnh nhân đang có dấu hiệu đột quỵ viết tắt là FAST. Đây là một cách dễ dàng để ghi nhớ những dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của đột quỵ:
- Face (mặt): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, hãy yêu cầu người đó cười và quan sát.
- Arm (tay): Tay yếu hoặc tê (nếu bạn yêu cầu họ nhấc cả hai tay lên, một tay sẽ hạ xuống thấp hơn tay kia).
- Speech (giọng nói): Các vấn đề về giọng nói như nói ngọng hoặc khó lặp lại một câu.
- Time (thời gian): Hãy nhanh chóng gọi xe cấp cứu.
Tuy nhiên, có một số triệu chứng khác có thể xảy ra mà bạn cũng nên chú ý:
- Đau đầu đột ngột và dữ dội.
- Chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc phối hợp.
- Mất thị lực hoặc thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt, điều này thường xảy ra đột ngột.
- Cảm thấy bối rối hoặc gặp khó khăn trong việc hiểu những điều thường dễ dàng đối với bạn
- Tê hoặc yếu ở một bên cơ thể (hoặc ở một cánh tay hoặc chân).
Các dấu hiệu của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không có thời gian để hành động. Một số người sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, tê hoặc ngứa ran vài ngày trước khi bị đột quỵ nghiêm trọng.
Một nghiên cứu cho thấy 43% bệnh nhân đột quỵ trải qua các triệu chứng đột quỵ nhẹ khoảng một tuần trước khi họ bị đột quỵ nặng.
Nếu bạn lưu ý đến những triệu chứng này và tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả khi chúng biến mất thì cơ hội phục hồi của bạn sẽ cao hơn nhiều. Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm.
Bạn sẽ không phản ứng thái quá nếu có sự thay đổi khi bạn bị TIA. Bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức vì cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày.