Căn cứ vào tuổi của thai nhi, tình trạng sinh non được chia làm các nhóm gồm: cực non khi tuổi thai dưới 28 tuần, rất non khi tuổi thai từ 28 đến 32 tuần, non trung bình khi tuổi thai từ 32 đến dưới 37 tuần. Khi mang thai.
Trường hợp dọa sinh non
Khi sản phụ mang thai, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng dọa sinh non có liên quan đến người mẹ, thai nhi và phần phụ.
Yếu tố xuất phát từ người mẹ thường thấy trong trường hợp hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, có tiền sử khoét chóp cổ tử cung; bị viêm nhiễm như viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu không triệu chứng, viêm nha chu...; có những bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh...; có tiền sử sinh non qua di truyền như bản thân người mẹ trước đây đã bị tình trạng sinh non...
Yếu tố xuất phát từ thai nhi và phần phụ thường gặp trong trường hợp đa thai, có thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non, thai nhi chậm tăng trưởng, thai nhi có khuyết tật; bị nhau tiền đạo, nhau bong non, đa ối...
Chẩn đoán xác định trường hợp dọa sinh non khi sản phụ mang thai có tuổi thai nhi từ hết 22 tuần đến hết 37 tuần, có cơn co tử cung gây đau với ít nhất là 2 cơn trong 1 giờ, có sự biến đổi cổ tử cung, có thể có ra máu hay chất nhầy màu hồng ở âm đạo...
Dự phòng
Sản phụ khám thai định kỳ theo lịch hẹn, phát hiện và xử lý sớm các yếu tố có nguy cơ từ người mẹ như: điều trị sớm tình trạng viêm nhiễm hoặc có từ trước khi mang thai nếu có thể, tìm nguyên nhân và điều trị nếu sản phụ có tiền sử sinh non; điều trị những bất thường trong tử cung như uống thuốc mỗi ngày đến khi thai nhi được 36 tuần tuổi hoặc đặt âm đạo thuốc progesterone dạng mịn mỗi ngày khi sản phụ không có ra máu, ra nước âm đạo và không có viêm nhiễm âm đạo; nếu cổ tử cung ngắn hơn 20mm nên khâu cổ tử cung.
Cần theo dõi các yếu tố di truyền như bản thân người mẹ trước đây đã từng sinh non..., cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi, theo dõi và xử trí tốt trường hợp chảy máu âm đạo trong thai kỳ. Đồng thời cũng cần phát hiện, theo dõi, xử trí sớm các yếu tố nguy cơ từ thai nhi nếu có thể được.
Chẩn đoán trường hợp sinh non khi tuổi thai nhi đủ 22 tuần tuổi đến trước khi đủ 37 tuần tuổi; có cơn co tử cung đều đặn, gây đau, sờ thấy được, kéo dài hơn 30 giây và xảy ra tối thiểu 4 lần cơn co tử cung trong mỗi 30 phút; có sự thay đổi về vị trí, mật độ, chiều dài và có hoặc có hiện tượng mở cổ tử cung.
Việc xử trí can thiệp cần bảo đảm cho thai nhi ít bị chấn thương nhất trong lúc sinh đẻ và thực hiện quy trình kỹ thuật tùy theo tuyến y tế. Ở tuyến xã, phường, thị trấn; cần tư vấn, giải thích và chuyển sản phụ lên tuyến trên càng sớm càng tốt; chỉ thực hiện việc đỡ đẻ trong trường hợp không thể chuyển lên tuyến trên được; nếu sản phụ sinh non tại tuyến này, cần thực hiện việc chăm sóc trẻ sơ sinh theo hướng dẫn phác đồ chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân quy định.
Đối với người mẹ phải theo dõi tình trạng chảy máu, kiểm soát tử cung nếu phát hiện nhau bị thiếu và tư vấn, giải thích, chuyển lên tuyến trên nếu cần. Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên; cần thông báo cho bác sĩ nhi khoa đến phối hợp để cùng hỗ trợ, đồng thời chuẩn bị các phương tiện hồi sức, chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng theo quy định.
Khi sản phụ mang thai, tình trạng dọa sinh non và sinh non là các trường hợp cần được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí can thiệp kịp thời tùy theo tuyến y tế.
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản kể cả sản phụ và người nhà sản phụ nên quan tâm, có sự hiểu biết về vấn đề này để cùng hỗ trợ, hợp tác trong các tình huống gặp phải.
Cần lưu ý đến các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng để phát hiện sớm nguyên nhân, đồng thời có tiên lượng để chẩn đoán xác định sớm nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho cả mẹ lẫn con trong trường hợp dọa sinh non và sinh non.