Có phải tất cả phụ nữ đều trải qua các dấu hiệu nhận biết có thai sớm?
Mỗi người phụ nữ là khác nhau, vì vậy kinh nghiệm mang thai của mỗi người sẽ rất khác nhau. Không phải mọi phụ nữ đều có các dấu hiệu nhận biết khi có thai giống nhau hoặc thậm chí các dấu hiệu nhận biết mình có thai từ lần mang thai này đến lần tiếp theo của một người cũng đã khác nhau.
Vì vậy, những dấu hiệu nhận biết phụ nữ có thai thường rất đa dạng, dưới đây là mô tả về một số dấu hiệu nhận biết có thai sớm nhất, phổ biến nhất trong thai kỳ.
Tuy nhiên, chị em cần hiểu rằng những biểu hiện này có thể được gây ra bởi những nguyên nhân khác ngoài việc mang thai. Vì vậy, xuất hiện các dấu hiệu sau đây không nhất thiết 100% nghĩa là chị em đang mang thai. Cách duy nhất để biết chắc chắn vẫn là các phương pháp thử thai.
Máu báo thai và chuột rút
Sau khi thụ thai, trứng được thụ tinh sẽ làm tổ ở thành tử cung. Điều này có thể trở thành một trong những dấu hiệu nhận biết sớm nhờ vào máu chảy ra khi trứng “bám” và làm tổ trong niêm mạc, có thể kèm theo chuột rút. Máu báo thai là dấu hiệu nhận biết có thai sau 7 ngày đến 12 ngày từ khi trứng được thụ tinh.
Chuột rút cũng giống như chuột rút trong chu kì kinh nguyệt. Vì vậy một số phụ nữ nhầm lẫn máu báo thai và chuột rút là chu kỳ mới của họ. Tuy nhiên máu báo thai chỉ chảy rất nhẹ chứ không “ồ ạt” như chu kỳ kinh nguyệt.
Tiết dịch âm đạo
Bên cạnh chảy máu, người phụ nữ có thể nhận thấy một chất dịch màu trắng đục từ âm đạo của mình chảy ra. Điều này có thể là do sự dày lên của lớp niêm mạc bên trong âm đạo, xảy ra ngay lập tức sau khi thụ thai.
Sự tăng trưởng của các tế bào lót âm đạo gây ra sự tiết dịch. Chất dịch này có thể tiếp tục trong suốt thai kỳ, thường vô hại và không cần điều trị. Nhưng nếu dịch có mùi hôi hoặc cảm giác nóng rát và ngứa, hãy nói với bác sĩ để họ có thể kiểm tra xem chị em có bị nhiễm trùng nấm men hoặc vi khuẩn hay không.
Thay đổi ở bầu ngực
Thay đổi ngực là dấu hiệu nhận biết có thai tuần đầu. Nồng độ hormone của phụ nữ thay đổi nhanh chóng sau khi thụ thai. Vì vậy, ngực có thể bị sưng, đau hoặc căng tức trong một hoặc hai tuần sau đó.
Hoặc có chị em sẽ cảm thấy nặng hơn hoặc đầy đặn hơn. Khu vực xung quanh núm vú, được gọi là quầng vú, cũng có thể bị tối màu hơn.
Mệt mỏi
Cảm thấy mệt mỏi là hoàn toàn bình thường khi bắt đầu thai kì, thường xuất hiện từ rất sớm.
Dấu hiệu này thường liên quan đến mức độ cao đột ngột của hormone progesterone kết hợp với lượng đường trong máu thấp hơn, huyết áp thấp hơn và tăng sản xuất máu.
Nếu mệt mỏi liên quan đến mang thai, điều quan trọng là chị em cần phải nghỉ ngơi nhiều, ăn thực phẩm giàu protein và sắt có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Buồn nôn (ốm nghén)
Nguyên nhân chính xác của ốm nghén vẫn chưa được rõ nhưng hormone thai kỳ có thể góp phần gây ra triệu chứng này. Buồn nôn khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày nhưng phổ biến nhất là vào buổi sáng.
Ngoài ra, một số phụ nữ thèm ăn một số loại thực phẩm khi họ mang thai. Điều đó cũng liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Hiệu quả có thể mạnh đến mức ngay cả ý nghĩ về thứ thực phẩm yêu thích cũng có thể khiến dạ dày của bà bầu nhộn nhạo.
Có thể cảm giác buồn nôn, thèm ăn hoặc ác cảm với một hoặc nhiều loại thức ăn nào đó có thể kéo dài toàn bộ thai kỳ. Tuy nhiên phần lớn các triệu chứng sẽ giảm bớt đối với nhiều phụ nữ vào khoảng tuần thứ 13 hoặc 14 của thai kỳ.
Chậm kinh, mất kinh
Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của thai kỳ và là nguyên nhân khiến hầu hết phụ nữ đi thử thai. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp mất kinh hoặc trì hoãn chu kỳ là do mang thai.
Có những lý do, ngoài việc mang thai khiến chu kỳ đến chậm có thể là do tăng hoặc giảm cân quá nhiều. Các vấn đề về nội tiết tố, mệt mỏi hoặc căng thẳng là những nguyên nhân khác. Một số phụ nữ bị chậm hoặc mất kinh nguyệt khi họ ngừng dùng thuốc tránh thai.
Các dấu hiệu nhận biết có thai khác
Mang thai mang lại những thay đổi trong cân bằng nội tiết tố, điều đó có thể gây ra các triệu chứng khác bao gồm:
- Đi tiểu thường xuyên: Đối với nhiều phụ nữ, điều này bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 hoặc thứ 8 sau khi thụ thai. Tuy nhiên có thể nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu đường hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu.
- Táo bón: Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone cao hơn có thể khiến chị em bị táo bón. Progesterone khiến thức ăn đi chậm hơn qua ruột.
- Tâm trạng lâng lâng: Rất phổ biến, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên, liên quan đến những thay đổi về hormone.
- Nhức đầu và đau lưng: Nhiều phụ nữ mang thai than phiền họ bị đau đầu nhẹ thường xuyên và những người khác lại cho rằng họ thường xuyên bị đau lưng .
- Chóng mặt và ngất xỉu: Liên quan đến việc làm giãn mạch máu, hạ huyết áp và hạ đường huyết khi mang thai.
Một phụ nữ mang thai có thể có tất cả các dấu hiệu nhận biết có thai kể trên hoặc có thể chỉ có một hoặc hai. Nếu bất kỳ triệu chứng nào khiến chị em quá khó chịu, hãy tìm gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân do mang thai hay do bệnh lý và có hướng xử trí đúng đắn.
Nguồn: https://www.webmd.com/baby/guide/pregnancy-am-i-pregnant