Mới đây câu chuyện bé Phạm Đức Lộc tử vong sau 3 năm kiên cường điều trị căn bệnh não úng thủy khiến nhiều người vô cùng xót xa. Đức Lộc là một đứa trẻ bị người thân bỏ rơi trước cổng chùa Vạn Đức trong một ngày mưa gió. Sau đó, sư trụ trì chùa này phát hiện và đưa bé vào chùa sơ cứu.
Dù đã thông báo tìm người thân nhưng không ai đến nhận, nhà chùa đã khai sinh cho bé là Phạm Đức Lộc và nhận nuôi. Trong quá trình trình nuôi dưỡng, bé Lộc có nhiều biểu hiện bất thường như hay sốt, đầu ngày càng to ra, đi khám thì phát hiện mắc bệnh não úng thủy.
Được sự hỗ trợ của cộng đồng, bé Đức Lộc đước đưa sang Singapore chữa bệnh, sau đó sức khỏe bé Lộc có tiến triển tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây sức khỏe bé giảm sút nghiêm trọng, phải nhập viện cấp cứu và qua đời vào ngày 19/12.
Có thể để lại di chứng nặng nề nếu không điều trị sớm
Căn bệnh não úng thủy mà bé Đức Lộc mắc không phải là hiếm gặp. Bác sĩ Trần Văn Sĩ (khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết não úng thủy là một bệnh lý thần kinh trung ương có thể để lại nhiều di chứng nặng nề ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Não úng thủy làm tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nên sẽ để lại nhiều di chứng trầm trọng nếu không điều trị sớm và đúng cách. Các di chứng thường gặp nhất là viêm màng não mủ, mù, điếc, liệt, chậm phát triển tâm thần, động kinh.
Khi mắc căn bệnh này, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tốt có thể phát triển tâm thần, vận động bình thường. Ngược lại nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề.
Nguyên nhân khiến trẻ mắc não úng thủy có thể do bẩm sinh, xuất hiện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ với những bất thường bị giãn não thất, hẹp cống não, nhiễm trùng thai kỳ…
Cũng có trường hợp mắc bệnh sau khi trẻ ra đời. Theo đó, một số trẻ được sinh ra hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh nhưng sau đó lại phát hiện bị bệnh não úng thủy. Lý do gây nên trường hợp này thường là do xuất huyết trong não, nhiễm trùng hệ thần kinh, hấp thu dịch não tủy kém…
Biểu hiện điển hình nhất khi trẻ mắc não úng thủy đó là đầu to ra, mắt nhìn hướng xuống đất, trẻ hay sốt, buồn nôn, bỏ ăn, bỏ bú, phản xạ và đi lại khó khăn chậm chạp… Não úng thủy không lây truyền từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc theo các đường thông thường.
Não úng thủy có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi hiệu quả
Bác sĩ Trần Văn Sĩ cho biết trước đây để điều trị não úng thủy các bác sĩ chỉ có một phương pháp duy nhất là tiến hành phẫu thuật đặt van dẫn lưu (shunt) bên trong não thất nơi có dịch não tủy tích tụ quá nhiều. Tuy nhiên, phương pháp được coi là duy nhất này vẫn tiềm ẩn nhiều biến chứng đối với các bệnh nhi như xuất huyết trong não, nhiễm trùng và tắc van dẫn lưu.
“Phương pháp phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất là phương pháp mà các bác sĩ sẽ đặt một van dẫn lưu luân chuyển dịch não tủy trong não thất đến các khoang khác trong cơ thể như ổ bụng, màng phổi, màng tim… Như vậy, bệnh nhi có thể không chỉ phải phẫu thuật một lần và còn có thể nhiều lần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các cháu, thời gian nằm viện kéo dài và chi phí điều trị cao”, bác sĩ Sĩ cho hay.
Hiện nay, ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã và đang tiến hành phương pháp điều trị có tên là: Phương pháp phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III (ETV) kết hợp đốt đám rối mạch mạc (CPC) bằng ống mềm. Theo ghi nhận, từ tháng 5 năm 2017 đến nay đã có 227 bệnh nhi được phẫu thuật bằng phương pháp điều trị mới này với tỷ lệ thành công đáng ghi nhận.
“Với phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị não úng thủy, các bác sĩ sẽ tiến hành mở một lỗ nhỏ trên sọ của bệnh nhân và đưa thiết bị nội soi qua đó để tiến hành phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện ngắn (chừng 30-40 phút), tổn thương nhỏ nên ít gây đau đớn, nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng thấp hơn”, bác sĩ Sĩ chia sẻ.
Về phòng bệnh não úng thủy, các chuyên gia cho biết hiện nay chưa có một biện pháp rõ ràng nào được chứng minh là có khả năng phòng ngừa được bệnh lý não úng thủy. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ và tầm soát các dị tật bẩm sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cần theo dõi trẻ thường xuyên nhất là các hoạt động đi lại, nhận thức. Khi thấy trẻ đầu to ra, mắt nhìn xuống đất thì cần đưa đến bệnh viện thăm khám ngay…