Cậu bé Trần Gia Hưng trong tập 3 Siêu trí tuệ Việt Nam gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ khả năng tính nhẩm siêu tốc. Gia Hưng đã khiến các giám khảo, MC Trấn Thành và khán giả bất ngờ trước khả năng tính toán rất nhanh của mình với các phép toán đa dạng trong thời gian rất ngắn. Chỉ trong 11 giây, cậu bé có thể đưa ra đáp án khai căn của một dãy gồm 63 số.
Theo dõi các tập phát sóng về khả năng tính nhẩm của Gia Hưng, không ít khán giả đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục trí thông minh của cậu bé này. Thậm chí, Trấn Thành và giám khảo Lại Văn Sâm còn rơi nước mắt, xúc động. Nam MC đã chia sẻ: “Tại sao tôi rơi nước mắt quý vị biết không? Vì chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu nước như thế này” .
Thế nhưng, ít ai biết được rằng để được có mặt trên cuộc đời này, Gia Hưng và mẹ đã cùng nhau đi qua những tháng ngày “giông bão” rất khó khăn. Từ khi còn là bào thai bé nhỏ trong bụng mẹ, khi thăm khám thai bác sĩ đã từng lắc đầu thông báo "rất tiếc". Những tâm sự của chị Phạm Thu Hà (SN 1965) - mẹ bé Gia Hưng đã hé lộ một câu chuyện khác vô cùng thiêng liêng và cảm động về hành trình mang thai và chào đón con đến với thế giới này.
3 tháng đầu 2 đợt động thai, mẹ nằm bất động một chỗ giữ con
Chị Hà chia sẻ, bé Gia Hưng là đứa con thứ 3 của gia đình, trước Hưng có hai chị gái. Ngày mang thai cậu con trai cũng là lúc chị đã bước qua tuổi tứ tuần, bầu bí khi đã lớn tuổi chị nhận thức rất rõ về những nguy cơ có thể xảy ra mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, băng huyết…
Song chị vẫn luôn tâm niệm, con cái là món quà mà ông trời ban tặng. “Mặc dù rủi ro sinh con ở tuổi này là lớn hơn, nhưng mình tin rằng những ai đã từng có con sẽ hiểu được và đồng tình với mình rằng niềm vui của việc có con luôn lớn hơn tất cả những nỗi lo sợ ấy. Vì vậy, khi biết được tin có bầu, mình đã rất hạnh phúc”- chị Hà nói.
Thời gian đầu mang bầu cũng là những ngày tháng chiến đấu cam go của người mẹ ngoài 40. Chị Hà cho biết: “Trong 3 tháng đầu có đến 2 đợt động thai ập tới, và khi đi bác sĩ kiểm tra thì thấy phần lớn phôi thai không còn bám vào dạ con. Khi đó, bác sĩ cũng lắc đầu nói “Tiếc quá chị ạ!”. Khi hy vọng của bác sĩ dành cho sự tồn tại của con không còn, mình rất buồn, nhưng mình vẫn có một niềm tin mạnh mẽ là con sẽ ở lại đây với mẹ.”.
Điếng người khi nghe bác sĩ chẩn đoán nhưng với bản năng làm mẹ, chị quyết tâm bằng mọi giá phải giữ lại con. Vậy là những tháng ngày sau đó chị liên tục phải nằm bất động một chỗ để dưỡng thai. Và rồi điều kỳ diệu đã đến khi chị bắt đầu bị nghén nặng và sụt đến 6kg trong 3 tháng, điều đó đồng nghĩa với việc em bé đã ở lại bên bố mẹ và đang phát triển theo đúng các chỉ số thai nhi như bao đứa trẻ khác.
Thời gian đó, chị Hà được các bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt và ăn uống khá kỹ lưỡng. Đồng thời, chị cũng thực hiện đầy đủ các tầm soát cần thiết, đặc biệt cho phụ nữ lớn tuổi, ví dụ như siêu âm định kỳ (bao gồm đo độ mờ da gáy), theo tư vấn của bác sĩ, hai vợ chồng chị phải quyết định chọc dò ối để tầm soát dị tật bẩm sinh và hạnh phúc khôn xiết là khi biết con hoàn toàn bình thường, biết được con khỏe mạnh, chị cũng yên tâm hơn phần nào trong quá trình mang thai.
Nhắc nhớ lại những thời khắc hai mẹ con cùng vượt qua khó khăn để được ở lại bên nhau, chị Thu Hà tâm sự: “Thật ra mình luôn là người cố gắng hướng theo những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Mình đã từng đọc và rất tâm đắc với cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của tác giả Dale Carnegie. Qua đó, mình học được cách sống một cách nhẹ nhàng đơn giản hơn, học được cách chuyển từ những nỗi lo lắng thành hành động. Hành động ở đây là để trực tiếp xử lý và đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, và thay đổi những gì trong tầm kiểm soát của mình để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thường thì một trong những nỗi lo lớn nhất của các bà mẹ khi mang thai (và mình cũng không phải là một ngoại lệ) là việc thai lưu và để giải quyết nỗi lo này thì mình đã nghĩ ra cách mua một cái máy nhỏ đo tim thai để thỉnh thoảng tự nghe tim thai ở nhà. Việc theo dõi và nghe tim thai của con, biết tim con vẫn đập trong bụng mẹ cũng làm tâm lý của mình thoải mái hơn rất nhiều”.
Sợ đẻ trúng ngày đá bóng sẽ tắc đường, ông bố Hà Nội phải đi tìm tuyến đường thay thế
Khó khăn và gian nan là vậy nhưng trong suốt hành trình mang bầu con trai bé bỏng, chị Hà may mắn nhận được sự quan tâm và yêu thương từ rất nhiều xung quanh. Nhờ có sự cảm thông và động viên rất nhiều về tinh thần của các sếp ở cơ quan nên chị hoàn toàn yên tâm nghỉ dưỡng thai mà không phải bận tâm nhiều về công việc. Thậm chí mẹ bầu đã phải nghỉ việc hoàn toàn trong 3 tháng đầu và sau khi sức khỏe ổn định mới quay trở lại công việc bình thường.
Vượt qua được những “sóng gió” ban đầu, chị cùng em bé nhẹ nhàng bước qua 2 tam cá nguyệt còn lại. Tuần thai thứ 38 chị bắt đầu nghỉ sinh với dự kiến sẽ sinh con trong tuần 39. Từ lúc nghỉ chờ sinh, ngày nào chị cũng đi bộ 1-2 vòng quanh hồ Bảy mẫu ở Công viên Thống nhất ở Hà nội suốt 3 tuần. Mãi đến cuối tuần 41 mới có dấu hiệu chuyển dạ. “Mình nhớ đợt đó có giải bóng đá gì đó rầm rộ lắm, nên cũng lo ngại nhỡ chuyển dạ phải đi bệnh viện đúng lúc tan trận bóng bị tắc đường. Vậy là ông xã phải đi tiền trạm tìm tuyến đường thay thế trong tình huống tắc đường” – mẹ của bé Gia Hưng hài hước kể lại.
Mặc dù đã từng trải qua 2 lần mang thai và sinh con trước đó nhưng chị Thu Hà vẫn không tránh khỏi những thiếu sót trong kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Chị cho rằng vì một chút thiếu kiến thức khoa học, ham bồi bổ quá đà nên ở những tháng cuối tăng cân rất nhiều. Những lần khám thai định kỳ, bác sĩ nhất quyết động viên chị sinh thường vì siêu âm hình ảnh đầu con nhỏ gọn.
Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi đến phút cuối thì ngày lên bàn đẻ, chị được bác sĩ em bé có dấu hiệu tràng hoa quấn cổ không thể sinh thường. Chính việc con bị như vậy đã khiến quá trình sinh nở của chị kéo dài và đau đớn hơn rất nhiều.
Chị Hà chia sẻ: “Thực ra tại thời điểm đó mình không lo lắng hay nghĩ gì về bản thân mình hết, mà chỉ lo lắng cho con thôi, không biết con có bị làm sao không.
Tất nhiên, tận trong thâm tâm mình luôn có một niềm tin là con sẽ chào đời bình an và khỏe mạnh, đồng thời mình cũng rất an tâm với trang thiết bị ở bệnh viện (có máy monitoring sản khoa gắn 100% thời gian chuyển dạ), tay nghề bác sĩ, cũng như việc ekip trực luôn bên cạnh động viên tinh thần và giải thích cụ thể quá trình sinh nở cho mình”.
Sau 8 tiếng chịu đủ đau đớn trên bàn đẻ chị Hà được mổ để bắt em bé 4.1kg ra ngoài. Giây phút được nghe tiếng khóc của con, người mẹ ấy biết con đã an toàn và khoẻ mạnh.
Ý nghĩa và thiêng liêng hơn cả là khi gia đình biết đó là một bé trai, bởi trước đó trong suốt quá trình mang thai, vợ chồng anh chị luôn quan niệm con là món quà vô giá mà ông trời ban tặng, dù trai hay gái đều là điều tuyệt vời nên trong thai kỳ họ không màng đến việc hỏi về giới tính của con.
Vất vả mang thai và sinh em bé nhưng rất may mắn khi con chào đời đến với thế giới thì lại trở thành đứa bé dễ nuôi. Theo lời mẹ Thu Hà thì Gia Hưng rất ngoan và ham ăn, đến bữa là cứ ngồi đúng vị trí ở bàn ăn chờ được bón từng thìa bột hay cháo chứ không cần bố mẹ phải hô hào như khi bố mẹ cho hai chị trước ăn, con là đứa trẻ hiếu động song lại rất biết nghe lời người lớn.
Từ một đứa trẻ được chào đời nặng hơn 4 cân, bị tràng hoa cuốn cổ phải mổ bắt ra ngoài. Giờ đây Gia Hưng đã trở thành cậu bé 12 tuổi thông minh, được mệnh danh là thần đồng sau các kỳ thi toán trong và ngoài nước. Đây cũng là em bé nổi tiếng với tốc độ tính nhẩm trong một chương trình truyền hình trên đài sóng truyền hình.