Suy dinh dưỡng được định nghĩa là một tình trạng dinh dưỡng trong đó thiếu hay thừa năng lượng, protein và các chất dinh dưỡng khác ảnh hưởng bất lợi lên mô và cơ thể (hình dáng cơ thể, kích thước, thành phần), chức năng cơ thể và kết quả lâm sàng của trẻ. Do đó chế độ ăn đối với trẻ suy dinh dưỡng yêu cầu sự cân bằng năng lượng và tăng cường chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ và tất yếu việc suy dinh dưỡng sẽ làm trẻ thiếu năng lượng, không thể phát triển được thể chất và tinh thần.
Ăn uống
Chủ yếu do bà mẹ thiếu kiến thức nuôi con
+ Cho ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn.
+ Cai sữa sớm dưới 12 tháng
+Thức ăn sử dụng cho trẻ không đảm bảo chất lượng và số lượng theo lứa tuổi.
Nhiễm khuẩn
Suy dinh dưỡng thường xuất hiện sau các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, viêm phổi, tiêu chảy… mà các bà mẹ không biết cách cho ăn khi trẻ ốm nên dễ bị suy dinh dưỡng.
Những yếu tố khác như cân nặng lúc đẻ dưới 2500gram, mẹ không có sữa hoặc ít sữa, dị tật bẩm sinh…
Các cách cải thiện bữa ăn cho trẻ suy dinh dưỡng
Tăng lượng dầu
Lượng dầu mỡ sẽ giúp cung cấp năng lượng gấp đôi so với các loại chất khác như đạm và tinh bột, giúp cơ thể trẻ hấp thụ các dưỡng chất khác tốt hơn. Các mẹ nên cho thêm vào khẩu phần ăn của trẻ một thìa dầu ăn hoặc mỡ.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dầu ăn dành riêng cho trẻ em có thể dùng trộn ngay sau khi thức ăn đã nấu chín.
Bổ sung chất dinh dưỡng
Không nên xay thức ăn quá nhuyễn bởi trong quá trình xay, các chất dinh dưỡng trong thức ăn bị chuyển hóa. Khi chế biến, tốt nhất nên băm nhỏ thức ăn, nấu mềm sao cho trẻ vẫn có cảm giác được nhai. Các mẹ cũng nên chú ý tới thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của trẻ.
Với trẻ suy dinh dưỡng, các mẹ nên cho trẻ bổ sung trứng, thịt, cá, rau xanh… chế biến phù hợp với khẩu vị của trẻ giúp trẻ cảm thấy ngon miệng.
Khi trẻ đã bị suy dinh dưỡng, cần bổ sung vitamin và muối khoáng vào thành phần của trẻ.
Cho trẻ ăn đặc vừa phải
Với trẻ ăn được cơm, tốt nhất là cho trẻ ăn cơm, cơm giúp trẻ no lâu. Nếu thay cơm bằng cháo, các mẹ nên nấu đặc vừa phải, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ. Không nên nấu đặc quá, trẻ sẽ khó nuốt.
Tăng bữa ăn cho trẻ
Khi trẻ biếng ăn, các mẹ nên tăng số bữa ăn lên cho trẻ. Thay vì 3 bữa một ngày, có thể tăng lên 5 đến 6 bữa một ngày. Ngoài các bữa chính, các mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm một số bữa phụ như cho trẻ uống sữa, ăn sữa chua, hoa quả. Tuy nhiên không nên cho trẻ ăn quá nhiều ở bữa phụ vì như thế sẽ làm trẻ chán, ảnh hưởng tới bữa chính.
Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ tới khám chuyên khoa dinh dưỡng, theo dõi sức khỏe để cho thuốc thích hợp. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc khi không có đơn của bác sĩ, đặc biệt là những thuốc được quảng cáo tăng cân, kích thích ăn uống.