Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM), sổ mũi là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân trẻ bị sổ mũi thường là do yếu tố thời tiết, bệnh lý… Tình trạng sổ mũi lâu ngày sẽ làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc, khó ngủ, bỏ bú, ho, sụt cân.
Nguyên nhân trẻ bị sổ mũi
Do bệnh lý
Trẻ bị ho kèm sổ mũi có thể là dấu hiệu bệnh cảm cúm. Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng thông tin thêm, khi trẻ sổ mũi kèm theo dịch mũi màu xanh, vàng có thể là biểu hiện của các bệnh viêm nhiễm do vi trùng như viêm xoang hoặc do dịch mũi ứ đọng lâu ngày.
Do đó, khi mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường trong màu sắc dịch mũi của con thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để tránh trường hợp nhiễm trùng lan rộng; dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như áp xe, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm tai giữa…
Do tác động thời tiết
Cơ quan hô hấp của trẻ nhỏ rất yếu nên dễ bị dị ứng với khói, bụi trong không khí khiến trẻ bị số mũi. Khi trẻ bị sổ mũi do thời tiết sẽ có triệu chứng số mũi, hắt hơi, mắt đỏ, ngứa.
Ngoài ra, trẻ có thể sẽ bị sổ mũi, nghẹt mũi khi thời tiết lạnh, chuyển mùa. Nếu dịch mũi của trẻ vẫn trong, không có màu lạ thì có thể trẻ sẽ bị cảm lạnh. Lúc này, cha mẹ chỉ cần chú ý giữ ấm cho trẻ đúng cách để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.
Trẻ khóc nhiều
Trẻ khóc nhiều sẽ làm cho nước mắt từ tuyến lệ chảy tới khoang mũi, kết hợp với chất dịch ở đây khiến cho bé bị chảy nước mũi. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý trường hợp bé bị sổ mũi do mắc dị vật trong mũi, điều này có thể gây đau và chảy máu cho trẻ.
Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ bị sổ mũi kéo dài sẽ làm cho vùng mũi của trẻ bị bẩn, vón cục khiến hoạt động hô hấp của trẻ khó khăn hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con. Do đó, hành động vệ sinh mũi cho trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên có những lưu ý nhất định khi thực hiện để tránh gây ra những tổn thương không đáng có cho con.
Bác sĩ Khanh khuyên các bậc phụ huynh nên làm bấc sâu kèn để làm sạch mũi cho trẻ.
Cách làm rất đơn giản, mẹ chỉ cần dùng khăn giấy sạch, dai và mềm hoặc có thể thay thế bằng khăn vải xô.
Bạn xếp khăn giấy lại như hình ở bên dưới. Sau đó, một tay giữ trán của con, tay còn lại cho bấc sâu kèn vào mũi bé. Khi thấy khăn giấy bị ướt thì tiếp tục sử dụng 1 khăn giấy khác để làm tương tự đến khi gỉ và nước mũi của bé đã được lấy sạch.
Trường hợp bé bị nghẹt mũi nhiều, khô thì có thể nhỏ thêm 1-2 giọt nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào từng lỗ mũi và chờ vài phút để dịch mũi loãng hơn thì tiếp tục thực hiện các bước như trên. Các mẹ cũng lưu ý không nên quá lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho vé vì nếu trẻ bị viêm mũi mà rửa quá nhiều sẽ làm khoang mũi khô hơn.
Các mẹ thường có thói quen dùng máy để hút dịch mũi hoặc bơm, rửa mũi cho con nhưng bác sĩ Khanh nhấn mạnh rằng, đây là hành động nguy hiểm với con trẻ. Bạn không thể biết được áp lực chính xác của dụng cụ tác động lên khoang mũi của con. Nếu lực quá mạnh có thể gây tổn thương niêm mạc. Ngoài ra, phản xạ nuốt của trẻ nhỏ còn rất yếu, nếu bơm quá nhanh sẽ làm con bị sặc vào phổi.
Bên cạnh đó, các dụng cụ bơm, rửa không thể sạch hoàn toàn bằng cách tẩy, rửa thông thường nên sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bé.
Các động tác khi vệ sinh mũi cho trẻ cũng cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh quá thô bạo có thể khiến trẻ bị sang chấn tâm lý. Lâu dần sẽ tạo nên nỗi sợ vô hình cho trẻ khi bị bất cứ đồ vật gì đưa đến mặt.
Nên vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên, không để trẻ tiếp xúc với môi trường khói, bụi quá lâu và chú ý giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa để ngăn ngừa tình trạng sổ mũi ở trẻ.