Các giai đoạn mọc răng ở trẻ em
Trẻ em sẽ có khoảng 10 chiếc răng sữa (10 răng ở hàm trên, 10 răng ở hàm dưới). Từ 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Bắt đầu là hai chiếc răng cửa giữa ở hàm dưới. Những chiếc răng khác sẽ tuần tự mọc lên. Hai răng hàm thứ hai của hàm trên là những chiếc răng sữa mọc lên cuối cùng.
Thông thường, không có mốc thời gian cụ thể khi trẻ mọc răng sữa. Nhiều trẻ bắt đầu mọc răng từ sớm, khoảng 3 – 4 tháng tuổi; Có trẻ mọc răng trong giai đoạn 6 – 7 tháng tuổi; Thậm chí nhiều trẻ sẽ chậm mọc răng hơn. Một số trẻ sinh ra đã có sẵn 1 – 2 chiếc răng sữa thường được gọi là “răng sơ sinh”.
Phòng ngừa sâu răng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm
Trẻ bắt đầu mọc răng chính là một trong những dấu hiệu cho cha mẹ biết con đã sẵn sàng bước vào hành trình ăn dặm. Trong giai đoạn này, ngoài việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sự phát triển trí não và các mốc phát triển của con, cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe răng miệng cho bé.
Phòng ngừa sâu răng sữa ngay từ giai đoạn đầu của hành trình ăn dặm chính là bí quyết giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe, không bị các vi khuẩn khoang miệng tấn công.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết theo hướng dẫn của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, để phòng ngừa sâu răng cho trẻ, cha mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước ép trái cây. Thực chất, trẻ sẽ không lấy nhiều giá trị dinh dưỡng từ nước ép ở giai đoạn này.
Theo đó, nếu cha mẹ có nguyện vọng cho trẻ uống một số nước ép giúp trị táo bón (nước ép táo, nước ép mận khô…) thì có thể pha loãng với tỷ lệ 1:5 hoặc 1:6 và cho trẻ uống với liều lượng 40ml/ngày đối với trẻ 6 - 7,5 tháng, 60ml/ngày đối với trẻ từ 7,5 tháng tuổi trở lên. Đồng thời kết hợp với việc massage nhuận tràng vùng bụng cho trẻ.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh sâu răng cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyến cáo các bậc cha mẹ nên chú ý:
- Trẻ dưới 1 tuổi, không nên cho ăn bánh kẹo, chocolate, kể cả bánh tăng năng lượng hoặc bánh ăn dặm (các sản phẩm này đều chứa đường). Trẻ sau 1 tuổi có thể ăn nhưng cần hạn chế. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ ăn các thực phẩm hoặc nước uống có đường.
- Trước khi đi ngủ chỉ nên cho trẻ bú sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước, không nên cho trẻ ăn hay uống bất kỳ món nào khác.
- Nên tập cho trẻ thói quen uống bằng ly nhựa 2 quai (loại dành cho bé) trước 1 tuổi.
- Cha mẹ không nên nhai thức ăn trong miệng rồi đút lại cho trẻ vì sẽ gia tăng nguy cơ sâu răng. Không nên cho trẻ bú quá no. Cha mẹ nên chú ý dấu biệu bé bú no (ngậm ti yếu, có biểu hiện nhả ti trong 2 - 3 cái nhấp) để ngắt ti mẹ hoặc bình sữa khi đang thức giấc.