Rau muống là thực phẩm quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt rau muống sạch. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách nhận biết rau muống sạch, rau muống bẩn đơn giản nhất.
1. Tác dụng của rau muống
Theo Đông y, rau muống vị ngọt, nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, chữa rôm sảy, mụn nhọt… nên ăn rau muống đúng cách sẽ loại bỏ được độc tố.
Theo Tây y, rau muống có nhiều chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, threonin, valin, leucin... Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, tốt cho những người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm. Nó cũng giúp mọi người phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Ăn rau muống đúng cách tốt cho phụ nữ mang thai phụ, bởi nguồn sắt dồi dào trong rau muống rất tốt cho những người mắc bệnh thiếu máu và phụ nữ mang thai.
Với bệnh nhân loãng xương đơn thuần, huyết áp thấp, ăn rau muống vẫn tốt vì có hàm lượng canxi cao.
2. Tác hại của thực phẩm nhiễm chì
Nếu ăn nhiều thực phẩm nhiễm chì, chì sẽ hấp thụ vào máu và lắng đọng trong các tổ chức cơ thể và gây bệnh ở các cơ quan đó. Đối với trẻ em, chỉ cần một vài lần tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chì cũng đủ gây nên bệnh nhiễm độc chì cấp. Trong đó, nguy hiểm nhất là hội chứng não cấp gây co gật, hôn mê, nôn mửa. Khi nhiễm độc mãn tính rất khó phát hiện nhưng trẻ sẽ có dấu hiệu chậm lớn, kém thông minh hơn trẻ bình thường.
Đối với người lớn nếu hấp thu quá nhiều lượng chì vào cơ thể, sau vài năm sẽ có những triệu chứng điểm hình như hơi thở có mùi khó chịu, da vàng, táo bón, đau khớp xương, phụ nữ dễ bị sảy thai…
Là loại rau ăn lá, thân rỗng, rau muống được khuyến cáo có khả năng hấp thụ chì cũng như nhiều loại kim loại nặng khác. Do đó, người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý tới việc nhận biết đâu là rau muống sạch, đâu là rau muống nhiễm chì.
3. Phân biệt rau muống sạch, rau muống bẩn
Rau muống chứa chất kích thích khi chế biến lên thường có vị chát, mùi hắc. Ngược lại, rau muống sạch lại rất xanh, vị giòn, thanh mát tự nhiên. Ngoài ra, một số chị em nội trợ cũng mách cách phân biệt rau muống sạch và rau muống có hóa chất thông qua nước luộc.
Nếu rau chứa nhiều đạm thì nước thường đen, mặc dù vắt chanh nhưng cũng rất khó để chuyển màu xanh như rau sạch.
3.1. Nhận biết qua mùi vị
Rau muống nhiễm chì khi ăn có vị chát, không ngọt, mùi hơi hắc. Trong khi đó rau muống thường vị ngọt mát, nước luộc rau cũng trong.
3.2. Nhận biết thông qua hình dáng bên ngoài
Nếu bị phun quá nhiều hóa chất, rau muống thường sẽ có thân to hơn bình thường, lá đen, giòn. Loại rau này rất dễ dập nát. Khi bẻ thân rau thường không có hoặc rất ít nhựa chảy ra.
Buổi sáng, khi mua rau, bạn có thể thấy nó còn rất xanh tươi, ngon mắt nhưng để đến tối đã bị úa vàng. Thậm chí, chúng còn có thể bị thối nát và không thể ăn được nữa.
3.3. Nhận biết thông qua màu sắc
Khi mua bất kể loại rau gì chúng ta đều muốn chọn bó rau xanh non mơn mởn. Khi chọn mua rau muống chị em nhớ không nên chọn rau có lá màu xanh đậm. Những mớ rau có lá màu xanh đậm rất có thể là do hấp thụ quá nhiều kim loại nặng, trong đó có chì.
3.4. Nhận biết qua nước luộc rau muống
Thông thường, bát canh rau muống sau khi luộc nếu vắt chanh vào sẽ chuyển sang màu hanh vàng và hơi trong. Nguyên nhân là do chanh tươi làm chết đi chất diệp lục và làm chuyển màu nước. Còn nếu nước luộc rau muống chuyển sang xanh đen và khi vắt chanh vào nước vẫn không thay đổi màu sắc thì đó là rau muống đã nhiễm chì.