Công dụng của vỏ bưởi mà bạn không nên bỏ qua
Theo Lao Động, vỏ bưởi có vị đắng, cay, tính bình có tác dụng trừ phong, hóa đờm,... Nhiều người thường dùng phần cùi trắng ở bên trong của vỏ bưởi để chế biến thành các món ăn như chè, làm nem hay bóp gỏi.
Riêng phần vỏ bên ngoài có chứa những tinh dầu nên thường được dùng trong trường hợp ăn uống không tiêu, phụ nữ có hiện tượng buồn nôn do thai nghén. Ngoài ra, vỏ bưởi còn được dùng để nấu nước gội đầu giúp tóc bớt rụng, bóng mượt và chắc khỏe hơn.
Chữa ho, khan tiếng
Ho, khan tiếng là những triệu chứng thường gặp ở mọi đối tượng có thể do biến đổi thời tiết hoặc do tác động từ môi trường sống. Vỏ bưởi chính là vị thuốc hữu hiệu cho việc điều trị ho khan. Trong thời gian bị bệnh, nên nấu nước vỏ bưởi để uống hàng ngày, có thể dùng vỏ tươi hoặc khô sẽ thấy tình trạng ho khan được cải thiện.
Giải độc và thanh lọc cơ thể
Tác dụng của vỏ bưởi còn được biết đến với khả năng giải độc và thanh lọc cơ thể. Nước vỏ bưởi lành tính có thể sử dụng mỗi ngày giúp cơ thể đào thải độc tố, giúp làm đẹp da từ sâu bên trong.
Tăng sức đề kháng
Bưởi là một trong những loại trái cây có hàm lượng vitamin C dồi dào. Đây chính là dưỡng chất quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong vỏ bưởi có khả năng chống lại các căn bệnh như hen suyễn, viêm khớp, giảm stress,...
Chữa hôi miệng
Vitamin C và tinh dầu có trong vỏ bưởi là những thành phần có khả năng chống hôi miệng một cách hiệu quả. Lấy vỏ bưởi đã phơi khô đun với ít nước kèm theo vài hạt muối. Dùng nước này để súc miệng sẽ khiến mùi hôi nhanh chóng biến mất.
Cách làm mứt vỏ bưởi ngày Tết
Món mứt vỏ bưởi giòn ngon, tốt cho sức khỏe mà lại để được lâu, rất thích hợp để thưởng thức vào dịp Tết nguyên đán. Bạn có thể áp dụng những phương pháp sau:
Nguyên liệu:
- Vỏ bưởi (chọn bưởi da xanh, quả non thì đỡ bị xơ)
Đường, muối
mứt vỏ bưởi, công thức làm mứt vỏ bưởi, món mứt ngon, mứt Tết
Món mứt vỏ bưởi có vị ngọt, hơi the nhưng không bị đắng.
Cách làm:
- Vỏ bưởi nên lược bớt phần cùi trắng.
- Đường theo tỉ lệ 1:1 với vỏ bưởi (hoặc ít hơn nếu không thích ngọt)
- Cắt vỏ bưởi thành từng miếng.
- Pha muối với nước sâm sấp mặt bưởi, cho bưởi đã thái vào bóp cho bưởi ra hết dầu (khoảng 20 phút).
- Rửa sạch vỏ bưởi nhiều lần với nước.
- Cho nồi nước lên bếp, thêm vào muối và cho vỏ bưởi vào đun tầm 3-5 phút ở lửa vừa (không đun quá lâu hoặc sôi sẽ làm bưởi nát).
- Rửa sạch và bóp nhiều lần nước, ăn thử thấy vỏ bưởi không còn bị đắng và the là đạt.
- Lần rửa cuối vắt bưởi khô vừa để đem đi ướp đường.
- Ướp vỏ bưởi với đường trong 1-2 tiếng khi đường tan bớt (hoặc để qua đêm cũng được).
- Đem sên trên bếp trên lửa vừa với chảo chống dính tới khi nước cạn và bưởi hơi se thì đem sấy bằng nồi chiên cho khô hẳn.
- Sấy bằng nồi chiên không dầu 80 độ trong 60 phút, nếu sấy 2 khay cùng lúc thì giữa giờ các bạn đảo khay để bưởi khô đều nhé! Như vậy là đã thành công rồi.
Lưu ý khi làm mứt vỏ bưởi
Theo Tri thức và cuộc sống, quy trình cơ bản của việc tự làm mứt Tết sẽ bao gồm các bước theo trình tự như sau: Sơ chế, ngâm nước vôi trong, luộc với phèn chua (đối với một số loại như mứt bí, mứt táo…), ngâm đường và sên mứt.
Ngâm nước vôi trong: Để làm các loại mứt như mứt cà rốt, mứt bí… đều cần phải qua công đoạn ngâm nước vôi trong. Mục đích của công đoạn này là để mứt có độ cứng cần thiết. Nếu không ngâm nước vôi trong thì khi sên, mứt sẽ mềm nhũn như nấu canh.
Vôi để ngâm là vôi đã tôi, sau đó hòa với nước rồi ngạn lấy nước trong. Đem nguyên liệu làm mứt như bí, khoai tây, cà rốt… ngâm với nước vôi trong khoảng 3-4h để đạt độ cứng cần thiết. Nguyên liệu sau khi ngâm với nước vôi trong cần xả dưới vòi nước lạnh để sạch hết dư lượng vôi, tránh trường hợp mứt bị hắc. Vôi không hề có độc, các cụ ta ngày xưa vẫn thường ăn trầu cau với vôi cho miếng trầu đỏ và đượm vị.
Luộc với phèn chua: Đối với một số mứt có nguyên liệu dễ bị vỡ nát như bí, táo… thì luộc với phèn chua là công đoạn bắt buộc để mứt có độ cứng và giòn. Công đoạn này được thực hiện sau không đoạn ngâm nước vôi trong.
Chỉ nên dùng 1 cục nhỏ khoảng 15g phèn chua cho nồi nước khoảng 2 lít để đun nguyên liệu làm phèn chua. Không nên dùng nhiều, vì dùng quá nhiều phèn chua sẽ khiến cho mứt bị cứng. Bên cạnh đó, sau khi luộc phèn chua, bạn cần xả đi xả lại dưới vòi nước để đảm bảo hết dư lượng phèn chua trong mứt. Để chắc chắn, bạn có thể trần qua 1 lượt nước sôi thêm một lần nữa.
Sên mứt: Sau khi ngâm nước vôi hoặc luộc với nước phèn chua, bạn cần ngâm nguyên liệu với đường trong khoảng từ 3-4 tiếng để cho đường tan và ngấm hết vào nguyên liệu rồi mới sên. Nếu muốn mứt sau khi thành phẩm có lớp đường trắng tinh bao ngoài thì nên sên ở lửa trung bình, nhỏ dần để đường khô dần và kết tinh.
Bảo quản mứt: Cách tốt nhất để bảo quản mứt là cho từng loại vào hộp thủy tinh rồi đậy kín lại. Mứt nhà làm không có chất bảo quản nên cũng không để được quá lâu như mứt mua ngoài hàng. Vì vậy không nên làm quá nhiều mứt để ăn trong thời gian dài, dễ bị ướt hoặc mốc, đặc biệt trong tiết thời ẩm thấp của miền Bắc.