Rươi còn được gọi là con rồng đất, thuộc bộ giun đốt. Loài vật này có nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. Mỗi năm rươi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi.
Cứ đến đầu đông, mọi người lại mong chờ những món ngon từ rươi như: chả rươi, rươi xào củ niễng, rươi nấu riêu, mắm rươi,.... món nào cũng mang hương vị độc đáo và đầy sức hấp dẫn.
Mặc dù giàu dinh dưỡng và ngon miệng nhưng có rất nhiều trường hợp phải nhập viện vì ăn rươi không đúng cách. Bài viết này hướng dẫn bạn cách chọn và chế biến rươi an toàn sức khỏe. Cùng "bỏ túi" ngay những thông tin này để mang lại những món rươi ngon miệng và an toàn cho gia đình.
Cách chọn rươi tươi ngon
Theo nghiên cứu, trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo và nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm... Tuy nhiên, những con rươi tươi mới đảm bảo thành phần dinh dưỡng này.
Do đó, khi mua rươi nên chọn những con tươi ngon. Kinh nghiệm mua rươi là nên chọn những con ở bên trên, thân mập mạp, có sắc hồng đỏ và còn ngọ nguậy.
Không nên mua những con rươi ở phía dưới vì thông thường chúng sẽ bị đè vỡ bụng và có mùi tanh. Đồng thời, không nên chọn những con nhỏ, gầy, có màu xanh và lâu lâu mới ngọ nguậy.
Tuyệt đối không mua rươi chết. Những con rươi chết rất dễ dàng phân hủy và sinh ra nhiều độc tố nên rất có hại cho sức khỏe (chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy cấp), thậm chí gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tính mạng.
Cách sơ chế rươi an toàn cho sức khỏe
Để sơ chế rươi đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe cần lưu ý:
Khi rửa rươi, chỉ cần thả rươi vào chậu nước rồi dùng tay đẩy nhẹ nhàng. Rửa khoảng vài lần để rươi sạch chất bẩn. Đặc biệt, không nên rửa quá mạnh tay khiến rươi bị vỡ bụng; đồng thời cần phải loại bỏ những con rươi đã chết để tránh tình trạng tiêu chảy, choáng váng.
Sau khi rửa sạch, vớt ra rổ, để ráo nước. Nấu xoong nước sôi khoảng 40 độ C rồi thả rươi vào "làm lông". Theo đó, khuấy nhẹ cho chân và lông rươi nổi lên thì vớt thịt rươi, chế biến món ăn.
Theo Đông y, vỏ quýt có nhiều tác dụng chữa bệnh liên quan đến tiêu hóa. Vỏ quýt tươi có 3.8% tinh dầu, 9% hectozan, carotene, vitamin B1, B2. Tinh dầu vỏ quýt có vị the và hương thơm dễ chịu.
Cũng giống như các loài nhuyễn thể khác, rươi sống ở đáy nước nên thường bị nhiễm độc từ chính môi trường mà chúng sinh sống. Do đó, dân gian thường chế biến rươi với vỏ quýt để loại bỏ bớt độc tố và khử mùi tanh.
Để bảo quản, bạn nên làm sạch rươi tươi rồi cho vào hộp nhựa, đậy kín rồi cấp đông ngay. Tuy nhiên, không nên để rươi trong tủ lạnh quá lâu để tránh trường hợp chúng bị nhiễm vi khuẩn gây ra tiêu chảy.
Những ai không nên ăn rươi?
Dù thành phần dinh dưỡng khá cao, tuy nhiên những người dưới đây không nên ăn rươi:
Những người có tiền sử dị ứng với hải sản (tôm, cua, mực...), nhộng thì không nên ăn rươi. Đặc biệt, nếu bạn đã từng ngộ độc hoặc dị ứng với rươi 1 lần thì không nên ăn nữa, vì những lần sau sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Người vừa ốm dậy, có sức đề kháng và hệ tiêu hóa kém cũng không nên ăn rươi. Do không chỉ dễ bị nhiễm độc từ môi trường sống, rươi còn chứa nhiều vi khuẩn như: Salmonella, E.coli,... gây bệnh tiêu chảy, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Đồng thời, phụ nữ mang thai cũng nên cẩn thận với rươi để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Sau khi ăn rươi khoảng 30 phút, nếu thấy bị nổi ban, đau đầu,... phải ngay lập tức đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.