Thoái hóa khớp là bệnh lý viêm khớp phổ biến nhất và thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, thoái hóa khớp cũng có thể khởi phát sớm ở bất kỳ ai dưới 50 tuổi. Những người phải vận động thể chất nhiều như vận động viên, quân nhân... có nguy cơ thoái hóa khớp sớm.
Đây là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định. Tuy nhiên, khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì và nặng hơn, có thể trơ ra đầu xương dưới sụn. Đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng tấy.
thoái hóa khớp có thể xảy ra ở nhiều khớp trong cơ thể như lưng, cột sống, hông, đầu gối, cổ, vai, bàn tay, ngón tay... Dưới đây là các triệu chứng phổ biến cảnh báo thoái hóa khớp khởi phát sớm.
Đau: Đau khớp là triệu chứng nhiều người gặp do tình trạng thoái hóa khớp khiến sụn trong khớp phân hủy. Việc thiếu lớp đệm bảo vệ này kết hợp hấp thụ sốc do mất sụn khiến các đầu xương cọ xát vào nhau, tăng ma sát.
Cứng khớp: Sụn khớp đóng vai trò lớp đệm bên trong các khớp giúp xương hoạt động linh hoạt. Khi sụn bị vỡ do thoái hóa khớp, các khớp có thể bị cứng vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau một thời gian không hoạt động. Người bệnh có thể cảm thấy áp lực trong khớp gia tăng, khó vận động bình thường.
Khớp phát ra âm thanh lạ: Tiếng kêu lục cục, nứt, tách hoặc nghiến ở khớp có thể xảy ra do cứng khớp. Điều này khiến người bệnh thoái hóa khớp cảm thấy khó chịu khi di chuyển.
Viêm khớp: Tình trạng đau và viêm gia tăng có thể gây tổn thương các mô mềm như cơ, gân, dây chằng xung quanh khớp.
Giảm phạm vi chuyển động: Thoái hóa khớp có thể khiến người bệnh giảm phạm vi chuyển động, khó uốn cong hoàn toàn hoặc mở rộng các bộ phận cơ thể. Khi quá trình thoái hóa khớp tiến triển, tình trạng này có thể làm tăng viêm khớp, tiềm ẩn nguy cơ tàn tật.
Nếu thoái hóa khớp nặng, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng sau:
Sưng: Thoái hóa khớp gây sưng trong khớp do viêm khớp phát triển, tăng ma sát giữa các xương.
Suy nhược: Thoái hóa khớp có thể khiến các cơ hỗ trợ bao quanh khớp yếu. Người bệnh thường cử động khớp khó khăn, thường xuyên cảm thấy đau nhức. Do đó, người bệnh cần tránh một số hoạt động mạnh hoặc cử động, dẫn đến teo cơ.
Tàn tật: Bệnh có thể dẫn đến tình trạng yếu cơ, giảm khả năng sử dụng các khớp xương. Người thoái hóa khớp giai đoạn muộn có thể bị tàn tật, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày (đi bộ, leo cầu thang, tập thể dục...).
Tình trạng viêm, thoái hóa khớp khởi phát sớm thường xảy ra do sự hao mòn ở các khớp theo thời gian. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ viêm, thoái hóa khớp như có tiền sử chấn thương khớp, thừa cân, gia đình có người mắc bệnh khớp...
Để chẩn đoán thoái hóa khớp, người bệnh cần đi khám, chụp X-quang, chọc hút dịch khớp, chụp cộng hưởng từ (MRI)...
Người có triệu chứng thoái hóa khớp cần được chẩn đoán, điều trị sớm để tránh gặp tổn thương khớp vĩnh viễn; nghỉ ngơi đầy đủ, chườm nóng hoặc lạnh, dùng thuốc chống viêm, thuốc giảm đau hoặc tập vật lý trị liệu... Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng để kiểm soát tình trạng viêm khớp nặng khi các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả.