Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại Bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm Adenovirus.
Chỉ tính riêng trong tuần từ 5/9-11/9, Bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não,…
Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông. Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi.
Trẻ nhiễm Adenovirus sẽ có triệu chứng giống các bệnh viêm đường hô hấp khác, có thể chữa trị được. Tuy nhiên bệnh dễ lây lan nhanh trong cộng đồng, nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
BS Trương Hữu Khanh – nguyên trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết viêm hô hấp do Adenovirus là “bệnh cũ rích” nên người dân cần bình tĩnh. Xung quanh môi trường sống của chúng ta có nhiều virus có thể tấn công hệ hô hấp của mình.
Với Adenovirus tuỳ theo cơ địa mà đứa trẻ có thể bị nặng, bị nhẹ. Virus này hay xuất hiện ở thời tiết thay đổi khiến trẻ có thể viêm tiểu phế quản, viêm họng, đau mắt. BS Khanh lý giải đa phần trẻ em bị viêm hô hấp đều do virus Adenovirus hoặc hợp bào virus RSV. Tuy nhiên, từ trước tới nay chúng ta ít xét nghiệm Adenovirus.
Triệu chứng của bệnh có người có triệu chứng nặng, có người có triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi như cảm, như viêm hô hấp. Bệnh cũng có thể tấn công cả người lớn. Khi nhiễm virus Adenovirus có trẻ nhẹ nhàng, cũng có trẻ biểu hiện rầm rộ phải đi viện.
Không chỉ gây ra bệnh viêm hô hấp ở trẻ nhỏ, Adenovirus còn là tác nhân gây ra những đợt dịch đau mắt đỏ hàng loạt. Trường hợp không may cũng gây ho kéo dài ở người lớn đặc biệt là trẻ bị hen suyễn, chậm phát triển hệ vận động thì khi mắc Adenovirus có thể làm nặng hơn tình trạng viêm phổi, viêm hô hấp.
BS Khanh cho rằng bệnh do Adenovirus đến nay không có thuốc điều trị đặc hiệu vì đa số tự hết, chữa cũng như những đợt viêm hô hấp do virus nên chờ tự khỏi. Khi bị các triệu chứng như trên, trẻ cũng không cần thiết xét nghiệm Adenovirus vì thực tế việc điều trị vẫn giống như điều trị các bệnh đường hô hấp khác.
Với trẻ có biểu hiện hô hấp nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, cố gắng không để bội nhiễm. Đặc biệt, ở những trẻ trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng nhất là vi trùng kháng thuốc.
Virus này có nhiều chủng nên đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, bác sĩ Khanh cho biết để phòng bệnh do Adenovirus cũng chỉ là các biện pháp “cũ rích”. Virus Adenovirus lây qua giọt bắn, lây qua bàn tay, giọt bắn rơi xuống sàn, tay nắm cửa nếu tay sờ phải virus đưa lên mặt thì virus này tấn công vào hệ hô hấp.
Vì vậy cách phòng ngừa vẫn là rửa tay, người lớn bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ, khẩu trang, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng.
BS Khanh trấn an cha mẹ có con nhỏ, khi nghe những thông tin Adenovirus tăng cao cần bình tĩnh. Bởi vì tăng cao là do chúng ta đã làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ. Nhiễm virus này cũng có trẻ không có triệu chứng, có trẻ bị nặng giống như bệnh Covid-19 cũng có thể bị nặng hơn.
Vì vậy, cha mẹ theo dõi con cái khi có triệu chứng viêm hô hấp. Trẻ có bệnh lý nền cố gắng phòng bệnh, môi trường sống sạch sẽ, người xung quanh có thói quen ra chỗ đông người đeo khẩu trang, rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ con. Người lớn bị ho, cảm cũng có thể là mang Adenovirus lây cho trẻ con.