Nhiễm trùng hoặc viêm đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phát triển trong đường tiết niệu gồm niệu đạo, thận, niệu quản và bàng quang. Khi mắc bệnh thường có các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, đau, rát khi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi, xuất hiệu màu đỏ, hồng, cam, đau bụng, lưng dưới, mệt mỏi, sốt...
Theo các chuyên gia, viêm đường tiết niệu không phải bệnh nhiễm trùng lây truyền qua quan hệ tình dục hoặc một bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh. Tuy nhiên, việc quan hệ tình dục có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm đường tiết niệu. Viêm đường tiết niệu xuất hiện khi vi khuẩn E. Coli trong ruột của một người di chuyển và phát triển trong đường tiết niệu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến niệu quản, thận, bàng quang. Nếu không điều trị sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể di chuyển tới đường tiết niệu, lây nhiễm sang thận.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, bệnh chlamydia, bệnh Trichomonas (gây nhiễm trùng âm đạo ở nữ và đường sinh dục nam), có thể ảnh hưởng đến đường tiết niệu, gây ra các triệu chứng giống bệnh viêm đường tiết niệu. Ngoài ra, bệnh viêm đường tiết niệu không lây từ bệ ngồi bồn cầu, do niệu đạo của nam và nữ giới không chạm vào bệ ngồi.
Nữ giới có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao do đường niệu đạo ngắn hơn đàn ông, tạo điều kiện cho vi khuẩn di chuyển và phát triển. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK) (Mỹ), có khoảng 40-60% phụ nữ mắc bệnh viêm đường tiết niệu trong cuộc đời. Đa số nữ giới bị viêm đường tiết niệu do nhiễm trùng bàng quang.
Trường hợp có sỏi thận, bàng quang gặp vấn đề, phải dùng ống thông tiểu, mắc bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch yếu, từng nhiễm trùng tiểu... cũng có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao. Trong một nghiên cứu năm 2016 về tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu và khả năng nhạy cảm với kháng sinh ở bệnh nhân tiểu đường có đường huyết có kiểm soát và không kiểm soát tại Kuwait, các nhà nghiên cứu của Viện Đái tháo đường Dasman phát hiện mức đường huyết không kiểm soát có thể gây tổn thương thần kinh, lưu thông máu kém. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường nhiều nguy cơ bị viêm đường tiết niệu.
Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phân tích nước tiểu, kiểm tra các tế bào máu và vi khuẩn trong mẫu nước tiểu. Chuyên gia cũng có thể dùng phương pháp cấy nước tiểu nhằm xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm.
Bên cạnh chẩn đoán, bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm đường tiết niệu. Liều lượng, loại thuốc kháng sinh, thời gian của liệu trình phụ thuộc vào tiền sử bệnh của cá nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Các triệu chứng nhiễm trùng tiểu có thể biến mất sau khi một người uống thuốc kháng sinh.
Dù người bị viêm đường tiết niệu có thể quan hệ tình dục an toàn, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được khám, điều trị sớm nếu có các triệu chứng mới phát sinh như đau lưng dưới, đau bụng, âm đạo, dương vật có dịch bất thường, sốt, ớn lạnh, buồn nôn.
Để chủ động phòng bệnh viêm đường tiết niệu, mỗi người cần thay đổi lối sống bằng cách uống nhiều nước, đi tiểu ngay khi có nhu cầu, đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục, quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ.