Lợi ích của cà rốt với sức khỏe
Theo các nhà dinh dưỡng, cà rốt là một loại rau rất quý vì có nhiều chất đường, vitamin và muối khoáng, đặc biệt là vitamin C và caroten là chất tiền Vitamin A, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A rất tốt cho cơ thể. Trong 100g cà rốt có 88g nước, 8g đường, 1.5g protid, 1.2g xenluloza, 43mg canxi, 39mg photpho, 0.8mg sắt, 0.06mg vitamin B1, 0.06mg vitamin B2, 0.4mg vitamin PP, 0.8mg vitamin C và từ 1 đến 9mg–caroten…
Ngoài giá trị dinh dưỡng, cà rốt còn là một vị thuốc tốt chữa được nhiều bệnh. Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu, tăng cường khả năng sinh trưởng đối với trẻ em, và đặc biệt tốt với những trường hợp tiêu chảy nhẹ trong việc hấp thụ vi khuẩn và làm chậm nhu động ruột vì trong cà rốt có các chất ở dạng keo đặc biệt có tính chất hút thấm như pectin–xenluloza nở to ra sẽ hút các vi khuẩn coli và chui vào các nếp nhăn ở ruột, đẩy đi các ổ vi khuẩn, thức ăn ứ đọng ở đó, do đó làm mất các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, làm nhu động ruột trở lại bình thường.
Đối với phụ nữ, cà rốt còn có tác dụng làm da hồng hào và mịn, là thực phẩm chống lão hóa vì trong cà rốt rất giàu beta-carotene- một chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do.
Những người đua ô tô và lái xe vận tải cũng được khuyên nên ăn cà rốt trước khi lái, nhất là những chuyến đi đêm hay các nhà nghiên cứu phải làm việc khuya dưới ánh nắng điện cũng rất cần ăn cà rốt, vì vitamin A có tác dụng trên võng mạc mắt và giúp tăng thị lực.
Ngoài ra, cà rốt còn có những công dụng đặc biệt khác như: Chống lại các bệnh tim mạch do cà rốt chứa nhiều beta- carotene, alpha -carotene và lutein-những chất chống oxy hóa, giảm cholesterol. Cà rốt cũng giàu chất xơ, vì vậy giúp hàm lượng cholesterol trong máu luôn ở mức thấp nhất. Cà rốt giúp cải thiện sức khỏe gan vì nó làm sạch gan. Cà rốt giúp giảm mật và chất béo dự trữ trong gan.
Không ăn cà rốt nhiều và thường xuyên
Tuy cà rốt là một loại thức ăn ngon, bổ nhưng không nên ăn nhiều vì nếu bạn ăn cà rốt nhiều và thường xuyên, cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn (nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan), chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các biểu hiện trên sẽ hết.
Nếu thường xuyên ăn nhiều cà rốt, đặc biệt là cà rốt sống dễ dẫn tới bị methemoglobin máu do nồng độ chất nitrate có nhiều trong cà rốt. Methemoglobine là sản phẩm của Hemoglobine bị oxy hóa, trong đó Fe++ hóa trị 2 trong hemoglobine được chuyển thành Fe+++ hóa trị 3. Hemoglobine có khả năng chuyên chở ô xy đến mô cơ thể nên làm da niêm có màu hồng trong khi methemoglobine không có khả năng vận chuyển ô xy nên làm da niêm tím tái.
Bình thường trong hồng cầu vẫn hình thành methemoglobine (<1%) nhưng không tồn tại lâu, vì cơ thể có hệ thống men khử methemoglobine thành hemoglobine bình thường.
Tuy nhiên, có một số tác nhân ô xy hóa mạnh như hóa chất (Chlorates, Aniline - phẩm nhuộm, Trinitrotoluene - thuốc nổ)., thuốc (Nitroglycerine, Sulfonamide, Primaquine, Chloroquine, Lidocain, Prilocain - EMLA, Benzocain - gây tê tại chỗ, Nitrate bạc - xức bỏng) hay một số loại thức ăn có hàm lượng nitrate cao gây biến đổi hemoglobine thành methemoglobine quá khả năng bù trừ của hệ thống men khử đưa đến tăng methemoglobine máu, dẫn đến bị tím tái.
Ngoài cà rốt, những tác nhân oxyd hóa mạnh thường gặp cũng gây methemoglobine máu như: nước giếng, củ dền, nước cải bẹ xanh, bắp cải, củ cải đường – những thức ăn này có hàm lượng nitrate cao, khi ăn nhiều và dài ngày sẽ gây methemoglobin ở trẻ nhỏ biến đổi hemoglobine thành methemoglobine quá khả năng bù trừ của hệ thống men khử đưa đến tăng methemoglobine máu (không có khả năng chuyên chở oxy cho mô), dẫn đến bị tím tái, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Do vậy, chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần. Người lớn ăn khoảng 100g cà rốt/lần, trẻ em ăn khoảng từ 30–50g cà rốt/lần.
Khi dùng cà rốt, nên chọn những củ còn non, màu đỏ da cam tươi, rửa sạch, cạo vỏ chứ không gọt vỏ sâu vì các vitamin và muối khoáng tập trung nhiều ở lớp vỏ ngoài của cà rốt.