Lúc yêu, tôi được chồng thường xuyên dẫn về nhà anh chơi. Mẹ anh rất hiện đại, trẻ trung. Lúc nào bác ấy cũng niềm nở, nói chuyện vui vẻ, gần gũi. Thỉnh thoảng bà còn hỏi trêu:
“Hai đứa chưa có gì à?”
Tôi ngượng lắm nhưng được anh đỡ lời:
“Mẹ hỏi thế làm bạn gái con ngại, sợ chạy mất dép đó”.
Bà cười ngặt rồi nắm tay tôi bảo:
“Sao lại phải ngại, mẹ thích tậu trâu được cả nghé. Có trước càng nhanh được bế cháu chứ sao”.
(Ảnh minh họa)
Đến lúc tôi bầu trước thật. Hai đứa vừa khai 2 vạch, bà cười sung sướng như nhặt được vàng, sốt sắng hỏi:
“Ôi thế là có thật rồi à? Đấy mẹ cứ mong mãi cuối cùng cũng có! Thế đã đi khám chưa, được mấy tháng rồi?”.
Tôi bảo mới thử que, bà giục con trai đưa đi khám liền. Ngay hôm sau mẹ anh chủ động liên lạc với bố mẹ tôi hẹn ngày lên nhà nói chuyện người lớn.
Nhưng không may 2 bên gia đình vừa gặp nhau bàn việc cưới xin hôm trước thì hôm sau bố tôi bị đột quỵ. Cũng may giữ được tính mạng nhưng phải nằm viện gần 2 tháng trời nên đám cưới của chúng tôi đành gác lại.
Trong thời gian này, mẹ chồng tôi vẫn đi lại chăm sóc con dâu. Không tuần nào bà không mang đồ tẩm bổ cho tôi, chim quay, gà tần, trứng ngan, trứng ngỗng rồi sữa bầu các loại. Sợ tôi lo cho bố ảnh hưởng sức khỏe, bà động viên:
“Con chăm sóc bố nhưng cũng nhớ phải chăm sóc bản thân. Phải chịu khó ăn uống nghỉ ngơi cho em bé trong bụng khỏe mạnh. Trường (tên chồng tôi) cũng sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho bố con cùng con. Đợi khi nào sức khỏe bố con ổn định lthì 2 đứa tổ chức cưới vẫn chưa muộn”.
Khi tôi có bầu, mẹ chồng tương lai lúc nào cũng ân cần chăm sóc. (Ảnh minh họa)
Mất hơn 4 tháng bố tôi mới ngồi dậy đi lại được. Lúc này thai của tôi cũng đã 6 tháng, bụng to lắm rồi. Bụng bầu vượt mặt, tôi ngại nên bảo với bố mẹ 2 bên rằng chỉ cần rước dâu, làm vài mâm cơm để đôi bên gia đình tụ họp cho ấm cúng chứ không cần đám cưới rình rang. Mẹ chồng tôi phản đối, bà cười bảo:
“Đời con gái chỉ cưới có 1 lần, sau lại không rước dâu linh đình. Nhất là con đang mang bầu đứa cháu nội của mẹ, song hỉ lâm môn, tậu trâu được nghé phúc to như thế đương nhiên mẹ phải tổ chức đám cưới thật to, khao cả làng. Con không cần phải nghĩ ngợi gì, mọi việc có mẹ lo”.
Bà nói là làm. Từ lúc chuẩn bị cưới đến ngày tôi lên xe hoa có hơn 1 tháng, mẹ chồng cho tiền hai đứa đi chụp ảnh, mua váy cô dâu riêng, mua nhẫn đủ cả. Hôm về ăn cơm tôi còn ngạc nhiên vì bà gọi một xe tải nào giường cưới, chăn ga gối đệm, mành rèm, tủ quần áo, bàn trang điểm đều mới tinh tươm.
Chồng tôi có đưa tiền, bà gạt đi:
“Đây là quà mẹ cho con dâu mẹ. Tiền anh giữ đấy mà chăm vợ, chăm con”.
Không chỉ vậy, hôm làm lễ thành hôn, mẹ chồng còn trao tôi kiềng vàng 1 cây rồi ôm rất tình cảm. Ai nhìn thấy cảnh đó cũng mừng lây vì tôi có được mẹ chồng quá tâm lý.
Về làm dâu nhà bà rồi tôi càng sướng vì bà không cho động tay vào việc gì. Vì bà chăm dâu quá nên thai tôi rất to, đi khám bác sĩ bảo em bé quá to so với tuổi thai, nhắc phải hạn chế ăn tinh bột, kiểm soát bữa ăn tránh các biến chứng do thai quá lớn.
Ban đầu tôi về kể mẹ chồng còn không tin. Bà lo tôi sợ béo mà nói thế để bà không bồi bổ cho dâu nữa. Tới khi tôi đưa giấy khám thai, mẹ chồng mới tin. Sau đó bà lại lên mạng tìm hiểu thực đơn dinh dưỡng cho bà bầu mang thai to hơn tuổi thai. Cũng may sau con tôi chào đời khỏe mạnh, cả mẹ và bé không bị tiểu đường thai kỳ hay biến chứng nào cả. Mẹ chồng tôi mừng lắm. Giờ cả ngày bà không đi đâu chỉ ở nhà chăm con dâu cháu nôi.
Đúng là càng nghĩ tôi càng thấy mình quá may mắn mới có được người mẹ chồng vừa tình cảm vừa tâm lý như mẹ chồng tôi.
Thai to quá phải làm sao?
Khi sản phụ tăng cân nhiều và thai nhi to, cần lưu ý:
Trước sinh cần khám thai định kỳ, theo dõi sát sức khỏe mẹ và bé. Theo dõi đường huyết, huyết áp, đo tim thai, các dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Cần tới bệnh viện ngay khi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 1kg/1 tuần.
Chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều rau, hạn chế ăn nhiều đường và tinh bột, tập các vận động nhẹ nhàng.
Cần khám chuyên khoa Tim mạch 3 tuần sau sinh và chuyên khoa Nội tiết 4 - 6 tuần sau sinh.
3 tháng giữa thai kỳ là thời kỳ phát triển mạnh của thai nhi. Thai phụ cần:
Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện bằng kỹ thuật siêu âm 4D vượt trội.
Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.