Thời nay, hầu như từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành đều bị xoáy vào guồng quay của công nghệ số. Tại các đô thị lớn, đa số người lớn không thể rời xa điện thoại thông minh. Họ có thể sử dụng vì mục đích công việc, nhưng đôi khi là thói quen, hay nói cách khác là bị “nghiện”.
Ngay cả trẻ nhỏ, từ các em bé mới bi bô tập nói, đến những bé mầm non, tiểu học cũng đã dùng điện thoại. Rất nhiều phụ huynh cấm đoán con, đặc biệt là việc vừa ăn, vừa xem điện thoại, TV... nhưng chính họ lại "dính chặt" với các thiết bị này. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh dân công sở miệng ăn, tay bấm điện thoại, hay nhiều người đi vệ sinh cũng vẫn lướt mạng, cập nhật Facebook…
Ths.BS Hà Hải Nam - khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn vừa ăn, vừa xem điện thoại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, bố mẹ muốn ngăn con làm điều này thì chính họ phải làm gương. Đứa trẻ là tấm gương phản chiếu của chính phụ huynh.
“Làm sao phụ huynh có thể bảo được đứa trẻ rằng con đừng xem TV nữa trong khi họ luôn dán mắt vào điện thoại. Hay như cá nhân tôi, muốn khuyên con đọc sách thì chính mình phải ngồi đọc. Từ đó con sẽ nhìn thấy giá trị của lời khuyên từ bố mẹ”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Quay trở lại vấn đề vừa ăn, vừa xem thiết bị điện tử, bác sĩ Hải Nam cho biết, hệ thống tiêu hóa, nhất là dạ dày sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi vừa ăn vừa xem, trí não sẽ tập trung làm 2 hoặc nhiều việc cùng một lúc, khi đó tín hiệu truyền tin sẽ kém, bị phân tán và không làm tốt nhiệm vụ của mình.
“Nếu chỉ tập trung ăn, tín hiệu truyền tin từ não sẽ gửi đến dạ dày báo hiệu thức ăn chuẩn bị vào và dạ dày hoạt động. Hay các enzym khi ăn tập trung tiết ra nhiều, điều này có lợi cho tiêu hóa. Ngược lại, miệng nhai thức ăn, nhưng tâm trí tập trung vào điện thoại thì việc nhai sẽ là vô thức, lúc đó enzym trong miệng không tiết ra, đồng nghĩa với việc không khởi động quá trình tiêu hóa”, bác sĩ Nam phân tích.
Bác sĩ Nam cảnh báo, thói quen này diễn ra lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hấp thu chất vào cơ thể. Bởi thức ăn không được nhai kỹ, vào dạ dày co bóp hời hợt rồi đẩy thẳng xuống ruột non, khi đó ruột non sẽ không hấp thu được các chất có trong thức ăn. Đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bị táo bón. Khi bị táo bón kéo dài, trẻ sẽ sợ đi vệ sinh, không hấp thu được dinh dưỡng và không phát triển được.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, với trẻ nhỏ, dù ở lứa tuổi nào cũng không nên vừa cho ăn, vừa cho xem điện thoại. Việc làm này là một trong số những yếu tố khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng thấp còi, nhất là trẻ mới ốm dậy. Nguyên nhân là khi xem điện thoại, TV, trẻ sẽ sao nhãng việc ăn, kéo dài bữa ăn, ăn không tập trung… từ đó khiến việc hấp thu dinh dưỡng kém.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù với người lớn hay trẻ nhỏ, bữa ăn là thời gian gắn kết tình cảm gia đình, vì thế mọi người nên tránh xa thiết bị điện tử. Trong bữa ăn, cả nhà có thể nói chuyện với nhau, nhưng không nên kéo dài. Ngoài ra, nên chú ý bổ sung đầy đủ, cân đối và đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.