Khi chị em nói rằng mình bị cảm trong thai kỳ thì cần phân biệt rõ giữa cảm lạnh và cảm cúm. Cách phòng và điều trị của 2 bệnh này khác nhau. Đặc biệt là khi mẹ bầu bị cảm cúm, virus gây cảm cúm không chỉ ảnh hưởng đến thai phụ mà còn tác động đến sức khỏe của thai nhi rất lớn.
Cảm lạnh là do siêu vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi hoặc miệng. Có nhiều loại virus khác nhau gây cảm lạnh (có trên 100 virus).
Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm do virus influenza gây ra. Có 3 loại cảm cúm chính là A, B và C.
Cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm khi mang thai
Hai căn bệnh này đều thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Để phân biệt, chị em cần theo dõi các triệu chứng.
Cảm lạnh mức độ bệnh nhẹ hơn cảm cúm với dấu hiệu chính là chảy nước mũi, ngạt mũi, đau họng, ho, hắt hơi, nhức đầu, mỏi người. Các triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 tuần, nhưng chỉ 5-10 ngày bạn sẽ khỏi hoàn toàn.
Cảm cúm có các triệu chứng xuất hiện nhanh và nặng: chảy nước mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi nghiêm trọng, đặc biệt là bà bầu bị sốt từ nhẹ đến cao.
Khi đang mang thai, chị em có dấu hiệu cảm cúm nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp mẹ và bé hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm do virus cúm gây ra. Bác sĩ có thể cho mẹ bầu dùng thuốc kháng virus hoặc điều trị triệu chứng, tuy nhiên việc này chỉ áp dụng trong 48 giờ đầu tiên khi có các triệu chứng.
Bị cảm khi mang thai gây ra những biến chứng nào?
Mẹ bầu bị cảm có thể bị viêm phế quản và nặng hơn là viêm phổi nếu bị cảm khi mang thai. Một số trường hợp có thể bị viêm tai giữa, sốc nhiễm khuẩn, viêm màng não nhưng ít gặp.
Ngoài ra, nếu bị cảm cúm khi mang thai, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi có nguy cơ cao sinh non, thai chết lưu hoặc bị dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi,
Phòng ngừa bị cảm khi mang thai
- Khi mang thai, sức đề kháng của người phụ nữ thường giảm sút nghiêm trọng. Do vậy, cơ thể dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để phòng bệnh, chị em cần có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe. Bệnh cảm lạnh không có thuốc phòng ngừa nhưng có thể ngừa bệnh cúm bằng cách tiêm phòng cúm.
Chị em có thể tiêm phòng cúm trước khi mang thai hoặc trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Vắc-xin ngừa cúm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
- Đeo khẩu trang y tế khi đến nơi đông người.
- Rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn thường xuyên.
- Súc miệng họng, nhỏ mắt, mũi hàng ngày, đặc biệt là trong giai đoạn có dịch cúm diễn ra.
- Giữ ấm cơ thể, nên có ô, áo mưa, áo khoác nhẹ bên mình thường xuyên.
- Bà bầu cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Bổ sung trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh để bị căng thẳng tâm lý, tập thể dục thường xuyên.