Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ sảy thai của những người phụ nữ béo phì cao hơn so với những người bình thường khác. Bên cạnh đó, khi mang thai, bệnh béo phì có thể dẫn đến những vấn đề nguy hiểm khác cho cả mẹ và thai nhi.
Khả năng vô sinh cao
Béo phì gây rối loạn nội tiết với các biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, liên quan mật thiết đến hội chứng buồng trứng đa nang, tăng đề kháng insuline, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển trứng và rụng trứng bình thường.
Ngoài ra khi trứng đã rụng, tình trạng thừa cân cũng làm cho trứng khó thụ tinh và làm tổ bình thường nên khả năng vô sinh sẽ cao hơn.
Nguy hại cho quá trình thụ thai
Béo phì làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, giảm khả năng sống của trứng và phôi thai. Cơ thể người béo phì quá nhiều mỡ khiến môi trường nuôi dưỡng trứng và môi trường noãn bào có hàm lượng các chất chuyển hoá và hormone nam tăng cao. Điều đó gây ra những chuyển hoá nhạy cảm của trứng và nguy hại cho quá trình thụ thai.
Ngoài ra hiện tượng viêm nhiễm có thể làm hại đến tế bào và trứng tác động xấu đến sự sống của bào thai.
Biến chứng khi mang thai
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, phụ nữ có cân nặng càng cao thì càng có nhiều khả năng bị mắc các bệnh nguy hiểm, hoặc tử vong trong khi mang thai như: Biến chứng tiền sản giật, suy thận đột ngột, nhiễm trùng máu, xuất huyết và các vấn đề về hô hấp...
Nguy cơ sảy thai, sinh non là rất cao
Sự phát triển của chứng béo phì tỷ lệ thuận với khả năng sảy thai, sinh non.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về lĩnh vực sức khoẻ sinh sản, nguyên nhân là bản thân chất lượng phôi thai kém và thay đổi bất lợi của nội mạc tử cung.
Dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Thừa cân và béo phì trong thai kỳ có thể gây các vấn đề sức khỏe cho bé:
- Dị tật bẩm sinh, bao gồm cả các khuyết tật ống thần kinh (NTD). NTD là những dị tật bẩm sinh của não và cột sống.
- Sinh non.
- Thương tích, như trường hợp đẻ khó do kẹt vai (khi vai thai nhi kẹt phía sau xương mu của mẹ sau khi đã sổ đầu) trong khi sinh vì em bé to.
- Chết sau khi sinh.
- Béo phì trong thời thơ ấu.