Nội dung bài viết
Viêm màng não mủ ở trẻ em là gì?
Bệnh viêm màng não mủ (viêm màng não vi trùng) là tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn. Bệnh lý này thường gặp nhiều nhất ở trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi dưới 5.
Các vi khuẩn gây bệnh xuất hiện trong khoang dịch não tủy, làm tổn thương hệ thần kinh và có khả năng gây tử vong cao. Một số trường hợp sau khi khỏi bệnh còn mắc phải những di chứng nặng nề về vận động và nhận thức.
Nguyên nhân gây viêm màng não mủ
Trên thực tế có 3 loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ là phế cầu (Streptococcus pneumonia), Haemophilus influenza tuýp B, não mô cầu (Neisseria meningitidis).
Riêng đối với trẻ sơ sinh thì các loại vi khuẩn gây bệnh có thể kể đến đó là Escherichia coli, Listeria monocytogenes và streptococcus nhóm B.
Ngoài ra còn có nhiều loại vi khuẩn và nấm khác. Hơn nữa những người bệnh có tình trạng suy giảm miễn dịch và du khuẩn huyết khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Biểu hiện bệnh viêm màng não mủ
Trẻ em trên 18 tháng tuổi
Khi mắc phải bệnh viêm màng não mủ, trẻ thường xuất hiện một số triệu chứng cơ bản sau:
- Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao đột ngột, viêm long đường hô hấp trên, quấy khóc, mệt mỏi, chán ăn,...
- Hội chứng màng não: buồn nôn, đau đầu, có biểu hiện sợ ánh sáng
- Ngoài ra trẻ còn co giật, hôn mê, liệt, xuất hiện tử ban (trong nhiễm não mô cầu)
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Bệnh thường xảy ra trên trẻ sinh non với những biểu hiện như nhiễm trùng ối, ngạt sau sinh,...
- Hội chứng nhiễm khuẩn: thường không rõ ràng có thể không sốt, thậm chí còn hạ thân nhiệt.
- Hội chứng màng não cũng không đầy đủ hoặc khó phát hiện. Trẻ thường bỏ bú, thở không đều hoặc có cơn ngừng thở, thóp phồng hoặc căng nhẹ, bụng chướng, tiêu chảy, co giật,...
Đường lây truyền bệnh viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ thứ phát
- Ổ nhiễm trùng ở xa màng não đi theo đường máu đến gây viêm màng não mủ
- Vị trí phát bệnh thường gặp nhất là từ nhiễm trùng đường hô hấp, vi khuẩn cư trú ở niêm mạc vùng hầu họng sau đó xâm nhập vào máu để vào màng não.
- Vị trí khác như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm tắc tĩnh mạch,...
- Ổ nhiễm trùng lân cận như viêm xoang mũi, viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm mô tế bào hốc mắt hoặc viêm xương,...
Viêm màng não mủ nguyên phát
Vi khuẩn xâm nhập trực tiếp qua vết thương hở do chấn thương, phẫu thuật vùng sọ não, cột sống... hoặc thủ thuật chọc dò dịch não tuỷ. Từ đó chúng đi theo dịch não tủy để đến tủy sống và khoang dưới nhện.
Sự phát triển của vi khuẩn nhanh chóng khiến các phản ứng viêm diễn ra mạnh mẽ. Hậu quả của phản ứng viêm này là sự xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính vào khoang dịch não tủy (sinh mủ).
Viêm màng não mủ có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc không biết bệnh viêm màng não mủ có nguy hiểm hay không? Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng bệnh này thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là giai đoạn hệ thần kinh đang phát triển nên gây ra biến chứng nặng nề, cụ thể:
- Tỉ lệ tử vong cao mặc dù có nhiều tiến bộ trong hồi sức thần kinh nhưng do tổn thương não nặng nề, sốc nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải, suy kiệt...
- Tổn thương dây thần kinh sọ não gây điếc, mù, câm...
- Áp xe não, áp xe dưới màng cứng, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não...
- Tắc nghẽn dịch não tuỷ gây não úng thuỷ
- Ngoài ra còn các biến chứng ngoài hệ thần kinh, tuỳ theo nguyên nhân do vi khuẩn gây ra như sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết nội, viêm khớp, viêm thận, viêm phổi...
- Sau khi bị viêm màng não mủ, nhất là các trường hợp được chẩn đoán điều trị muộn có thể gặp các biến chứng như điếc, câm, mù, não úng thuỷ, liệt 1 chi, liệt nửa người, liệt hai chi dưới, chậm phát triển tinh thần vận động, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần hay động kinh,...
Bệnh viêm màng não mủ có chữa được không?
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên người bệnh nên điều trị bệnh viêm màng não mủ càng sớm càng tốt. Đặc biệt là theo dõi chặt chẽ để thay đổi phương pháp điều trị phù hợp và xử trí nhanh chóng các biến chứng. Thông thường có 2 phần chính là điều trị đặc hiệu và điều trị nâng đỡ.
Điều trị đặc hiệu
Đây là phương pháp điều trị bệnh viêm màng não mủ được nhiều người sử dụng. Người bệnh dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Thông thường thuốc kháng sinh được bác sĩ chỉ định ngay sau khi chọc dịch não tủy nếu nghi ngờ mắc bệnh.
Một số trường hợp bệnh nhân chưa chọc dịch não tủy thì vẫn tiến hành điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm được lựa chọn dựa vào tần suất gây bệnh của các loại vi khuẩn và khả năng thấm qua hàng rào máu não, ít gây tác dụng phụ. Sau khi có kết quả kháng sinh đồ thì điều trị theo kháng sinh đồ.
Phương pháp điều trị này kéo dài từ 10 ngày đến 3 tuần tùy theo tác nhân gây bệnh.
Điều trị nâng đỡ
Phương pháp này cần đảm bảo:
- Thông khí: tư thế phù hợp, hút đờm dãi và cung cấp đủ oxy
- Hạ sốt: cởi bớt quần áo, lau mát, sử dụng thuốc paracetamol hoặc thuốc an thần (nếu có sốt co giật)
- Chống phù não
- Cân bằng nước điện giải
- Dinh dưỡng đầy đủ, đề phòng và chống loét tì đè do nằm lâu, tập vật lý trị liệu
- Một số trường hợp viêm màng não mủ có biến chứng nặng như áp xe não cần được chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật
Phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em
- Bố mẹ nên phát hiện sớm và điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai - mũi - họng cho trẻ nhỏ
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nơi ở thoáng mát và luôn sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi
- Thường xuyên vệ sinh tai - mũi - họng sạch sẽ hằng ngày cho trẻ
- Tiêm phòng vắc xin viêm màng não mủ cho trẻ
- Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường có liên quan đến viêm màng não mủ hoặc các bệnh nhiễm trùng hô hấp bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Tránh để tình trạng bệnh kéo dài và nặng hơn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bài viết trên đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về bệnh viêm màng não mủ. Mọi người có thể tham khảo và bổ sung thêm kiến thức để phòng tránh cũng như điều trị hiệu quả bệnh lý nguy hiểm này.