Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của con người nếu không kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị sớm. Cùng tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, cách điều trị cùng những vấn đề liên quan đến căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là căn bệnh hô hấp thường gặp, gây ra tình trạng khó thở bởi tình trạng đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Những người mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn thường cảm thấy khó thở, ăn uống kém, ho khan hay ho có đờm, khả năng miễn dịch suy giảm làm ảnh thưởng đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.
Căn bệnh này tiến triển ngày càng nặng hơn theo thời gian. Theo thống kê, trên thế giới có hơn 3 triệu người tử vong vì căn bệnh này, tương đương với 6% tất cả các trường hợp tử vong trong năm 2012. Hiện tại bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có hai loại chính:
Viêm phế quản mạn tính: Đây là tình trạng các lớp niêm mạc của ống phế quản bị viêm. Cụ thể các lớp lót bên trong ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ, chứa các dịch nhầy. Từ đó làm hẹp đường thở, khiến hệ hô hấp bị suy giảm.
Khí phế thũng: Tình trạng khí phế thũng sẽ khiến các túi khí (phế nang) bị tổn hại, khiến bệnh nhân khó thở. Khi phế nang trong phổi bị mất, quá trình thải CO2 và hít khí O2 vào phổi sẽ trở nên khó khăn hơn.
Phổi của con người có các bộ phận chính là các phế quản (đường dẫn khí), phế nang (túi khí) và khí quản. Khi bạn hít vào, không khí sẽ đi từ khí quản thông qua các ống phế quản để tới phế nang. Từ đó, oxy sẽ đi vào máu và khí carbon dioxide được thải ra phế nang. bất cứ sự gián đoạn này trong quá trình hô hấp sẽ dẫn đến khó thở, thiếu oxy đến phổi cũng như các bộ phận bên trong cơ thể.
2. Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây ra những triệu chứng, dấu hiệu rõ ràng. Tùy vào tình trạng bệnh mà bệnh nhân có các triệu chứng bệnh khác nhau.
Những triệu chứng ban đầu:
- Tình trạng ho mạn tính, kéo dài.
- Bị ho có đờm màu trắng, vàng xám hay xanh lá, thậm chí đôi khi xuất hiện đờm có lẫn máu.
- Đường hô hấp bị nhiễm trùng dẫn đến bệnh cúm, cảm lạnh tái đi tái lại nhiều lần.
- Cảm thấy khó thở, thở gấp, thở khò khè, mệt mỏi.
- Cảm giác đau tức ở ngực.
- Bị sốt nhẹ, ớn lạnh.
Những triệu chứng nặng:
- Khi xuất hiện những triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bên trên, người bệnh thường lơ là, chủ quan và không điều trị dứt điểm. Vì vậy tình trạng bệnh kéo dài, tiến triển và xuất hiện các triệu chứng nặng như sau:
- Bị khó thở tới nỗi không thể nói chuyện được.
- Móng tay, móng chân hoặc môi của người bệnh chuyển sang màu xanh, màu xám do nồng độ oxy trong máu thấp.
- Rơi vào trạng thái lơ mơ.
- Tim đập rất nhanh.
3. Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng tổn thương hay tắc nghẽn các mô phổi. Điều này xảy ra do bạn thường xuyên hít phải các chất độc hại, nhất là các chất kích thích trong suốt thời gian dài.
- Hút thuốc hay hít phải khói thuốc thụ động: Việc hít phải khỏi thuốc lá trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra 80-90% bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Các loại khói hóa chất hay sương.
- Vi khuẩn, bụi bặm.
- Bụi công nghiệp, hóa chất.
- Không khí ô nhiễm ở ngoài trời.
- Không khí ô nhiễm ở trong nhà như các loại khí đốt nhiên liệu,...
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên khi còn nhỏ.
Trong các nguyên nhân trên thì khói thuốc lá là tác nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lớn nhất. Ngoài ra, các chất kích thích, chất gây ô nhiễm cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với phổi. Kết hợp với các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: những người trong độ tuổi từ 65 đến 74 tuổi, người nghiện thuốc lá hoặc có tiền sử hút thuốc, người có tiền sử bệnh hen, người có gia đình mắc loại bệnh này,...
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy hiểm không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được đánh giá là một căn bệnh nguy hiểm, là kẻ giết người thầm lặng đối với sức khỏe của con người. Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Các bệnh lý liên quan đến tim mạch: Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ bị nhịp tim đập nhanh, dẫn đến rối loạn nhịp tim và suy tim.
- Bệnh cao huyết áp: Căn bệnh này có thể khiến áp suất trong các mạch máu dẫn đến phổi tăng cao gây ra tăng áp phổi, cao huyết áp.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Do người bệnh thường xuyên mắc các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, dẫn đến viêm phổi nặng.
5. Những cách điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ em cho đến người lớn. Bệnh này không thể chữa trị tận gốc nhưng hiện nay cũng có nhiều phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Khi thấy bản thân mắc các triệu chứng bệnh kể trên, bạn cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm chức năng phổi, đo hô hấp kế, chụp X-quang, CT scan ngực, khí máu động mạch,... Khi có kết luận chuẩn xác, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Các cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện nay chủ yếu làm giảm các triệu chứng bệnh, làm chậm sự tiến triển của bệnh, cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng.
Một số cách điều trị phổ biến sau đây:
Sử dụng thuốc: Bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng các loại thuốc giãn phế quản để dễ dàng thở hơn và giảm tình trạng viêm phổi.
Vắc-xin phòng ngừa: Sử dụng các vắc-xin ngừa cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu (loại vắc-xin phòng chống bệnh dịch được gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên Streptococcus pneumoniae hay phế cầu).
Liệu pháp oxy: Sử dụng liệu pháp oxy cũng là cách phổ biến giúp người bệnh dễ thở hơn.
Phẫu thuật: Đây là phương pháp cuối cùng áp dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, dùng thuốc không có hiệu quả. Cách này thường dùng với loại khí phế thũng, gồm việc cắt túi khí trong phổi, phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi.
6. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần lưu ý những vấn đề sau:
Bỏ hút thuốc, tránh các chất kích thích: Như bạn đã biết, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy bạn nên cai thuốc lá để không làm bệnh tiến triển nặng. Bên cạnh đó, cần tránh các chất kích thích ảnh hưởng đến phổi như không khí ô nhiễm, bụi bẩn, hóa chất,...
Tránh các chất kích thích từ môi trường sống: Chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn, ô nhiễm không khí. Khi sử dụng các hóa chất, thuốc diệt côn trùng bạn cần tránh tiếp xúc và ra khỏi nhà một thời gian.
Khám sức khỏe thường xuyên: Ghi nhớ lịch hẹn với bác sĩ và thăm khám đúng lịch để theo dõi sức khỏe cũng như tình trạng bệnh. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu bác sĩ kiểm tra các bệnh khác do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra như bệnh tim, ung thư phổi, viêm phổi.
Ăn uống hợp lý: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường khiến bệnh nhân khó khăn trong việc ăn uống. Vì vậy bạn cần thực hiện chế độ ăn uống phù hợp và đảm bảo cung cấp đủ chất cho cơ thể.
Thường xuyên tập thể dục: Bạn có thể trao đổi với bác sĩ điều trị về những bài tập thể dục phù hợp với thể trạng của mình. Bằng cách tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường cơ bắp, giúp bạn dễ thở hơn và cải thiện sức khỏe.
Sắp xếp đồ dùng ngăn nắp: Hãy để các vật dụng sinh hoạt cần thiết hàng ngày có thể dễ dàng lấy được để tránh di chuyển hay leo cầu thang quá nhiều, gây thở dốc, mệt mỏi cho người bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh, người nhà bệnh nhân cần giúp đỡ, san sẻ công việc hàng ngày để người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn.
Chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp: Lưu lại số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện hoặc người thân phòng trường hợp bạn cần cấp cứu. Gọi cho bác sĩ chuyên khoa ngay khi bạn nhận thấy triệu chứng bệnh nặng hơn hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt.
7. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên ăn gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây khó thở nên việc ăn uống khá khó khăn. Bệnh nhân có xu hướng ăn ít hơn bình thường nên dễ mất sức, thiếu chất dinh dưỡng. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn phát triển, bệnh tiến triển nặng hơn. Trái lại nếu ăn uống quá nhiều cũng không tốt, có thể làm tăng lượng CO2 trong máu, béo phì, thừa cân khiến bệnh nặng hơn.
Bệnh nhân phải tiêu tốn năng lượng cho sự hô hấp gấp 5-10 lần so với bình thường nên nhu cầu năng lượng tối thiểu là 30kcalo/kg trọng lượng cơ thể, với ba nguồn chính chất bột 50%, đạm 15%, chất béo 35%.
Ưu tiên dùng đạm và chất béo: Các chất béo có lợi cho cơ thể với nguồn gốc từ thực vật, cá sẽ hạn chế làm tăng CO2 trong máu và cung cấp năng lượng cao hơn. Hạn chế chất béo từ gia cầm (gà, vịt,...), động vật (bò, lợn,...), và các loại nội tạng động vật. Nếu sử dụng chất béo chứa nhiều cholesterol như trứng, nội tạng, mỡ động vật,... chỉ nên dùng không quá 300mg/ngày.
Tăng cường bổ sung các loại vitamin, các yếu tố vi lượng: Bằng cách ăn các loại rau, củ, quả, nhất là các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E sẽ giúp cải thiện tiêu hóa, hạn chế hấp thu cholesterol và ngăn ngừa táo bón.
Uống đủ nước: Cung cấp cho cơ thể từ 2,5-3l nước mỗi ngày sẽ hạn chế táo bón, loãng đờm. Ngoài ra cần bổ sung các loại nước hoa quả để bổ sung nước và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị biến chứng phế mạn thì cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh những món ăn cần bổ sung trong chế độ ăn kể trên, người bệnh cần lưu ý:
- Tránh ăn quá no, có thể chia nhỏ khoảng 5-6 bữa/ ngày.
- Thực phẩm chế biến dễ nhai, dễ nuốt.
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều muối như: đồ hộp, đồ khô, thực phẩm muối sẵn,... vì muối sẽ giữ nước, tạo gánh nặng cho tim và gây ứ đọng nước ở phổi.
- Không ăn quá nhiều tinh bột, các thực phẩm dễ sinh hơi, gây chướng bụng, khó thở như hành tây, các gia vị như hạt tiêu, tỏi, ớt,...