Nội dung bài viết:
Cách ngâm rượu dâu tằm đúng chuẩn
Ở nước ta, dâu tằm được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, quả dâu khi chín có màu tím sậm gần như tím đen. Vì vậy, rượu dâu tằm, mức dâu tằm cũng được xem là đặc sản nổi tiếng ở vùng đất này.
Loại quả này giàu chất dinh dưỡng, ăn mềm, chua ngọt, nhiều nước. Dâu tằm có thể ăn tươi, ngâm rượu, làm nước giải khát, làm mứt, làm vị thuốc… đều tốt, được mọi người ưa chuộng.
Ngoài ra, đây còn được coi là một vị thuốc với công hiệu bổ can thận, dưỡng huyết, trừ phong, tiêu khát, lợi ngũ tạng, khớp xương, thông huyết khí… đã được ghi nhận nhiều trong các tài liệu Đông y.
Với những đặc tính quý như vậy, một hũ rượu dâu tằm trong nhà không chỉ là thức uống tốt cho sức khỏe mà còn có thể dùng để đãi khách khi đến nhà chơi như một loại đặc sản. Loại rượu vang dâu tằm có nồng độ thấp nên có thể phù hợp cho cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Cách làm rượu dâu tằm cũng khá là đơn giản, chỉ cần tìm mua nguyên liệu và thực hiện các bước sau đây là bạn đã có ngay một hũ rượu dâu tằm bắt mắt, thơm ngon cho gia đình mình.
Chuẩn bị nguyên liệu
Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của rượu vì nguyên liệu tươi ngon thì rượu sau khi lên men mới thơm dịu được và bảo quản được lâu.
- 2 kg dâu tằm
- 800 gam đường phèn giã nhuyễn (nếu không có đường phèn có thể thay thế bằng đường cát trắng)
- 1 lít rượu trắng (nên mua loại rượu có nồng độ từ 35 – 48 độ hoặc bạn có thể thay thế bằng một chai rượu vang)
- Bình thuỷ tinh
Khi mua bạn nên lựa trái dâu tằm to đều, chín vừa phải và không bị dập nát, hư hỏng. Dâu tằm chỉ có theo mùa và rất rẻ cho nên bạn có thể mua nhiều, cách ngâm rượu dâu tằm với đường phèn với số lượng lớn để dùng dần trong cả năm.
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế dâu tằm
Dâu tằm loại bỏ hết phần cuống, lá còn sót lại và lẫn vào trong trái dâu tằm. Rửa sạch dâu tằm với nước, sau đó ngâm trái dâu tằm với nước muối pha loãng trong vòng 1 giờ đồng hồ, vớt ráo và rửa lại nhiều lần với nước sạch. Đây là mẹo nhỏ trong cách ngâm rượu dâu tằm giữ được lâu.
Việc ngâm nước muối pha loãng vừa đảm bảo diệt được vi khuẩn và vi trùng trong trái dâu tằm lại đảm bảo an toàn trong quá trình ngâm rượu dâu tằm không bị nát.
Bước 2: Ngâm dâu và đường trong bình thuỷ tinh
Sau khi dâu tằm ráo, bạn cho dâu và đường phèn vào bình thuỷ tinh, cứ một lớp dâu sau đó là một lớp đường làm xen kẽ đến khi nào hết thì thôi là cách ngâm rượu dâu tằm đúng cách. Nhớ là lớp trên cùng là lớp đường để dâu không bị hư và sinh sâu.
Đậy kín nắp, để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp khoảng 1 tháng thì dâu sẽ tự ra nước. Khoảng 2 tuần một lần dùng vá sạch nhấn đè cho phần dâu ở phía trên cùng ngấm đều.
Bước 3: Cho rượu vào hỗn hợp lên men
Sau một tháng, bạn cho chai rượu vang hoặc rượu đế vào hũ dâu, đậy kín ủ tiếp 1 tháng nữa. Lần này xác dâu sẽ nhừ nát. Khi dùng, bạn ép trên rây để loại bỏ bã. Rượu dâu đậm hương vị thơm ngon mà màu lại rất đẹp.
Rượu dâu tằm giúp giải nhiệt vào mùa hè, làm ấm bụng vào mùa đông. Và dù bất kỳ mùa nào trong năm thì đều rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng nhuận tràng, an thần lại đem đến cho chị em phụ nữ làn da hồng hào...
Khi sử dụng chúng ta có thể uống trực tiếp hoặc uống chung với đá, chỉ nên uống 2 ly nhỏ mỗi ngày trong vòng 1 tháng liên tục để phát huy tác dụng của rượu. Khi uống rượu dâu tằm, mọi người cũng đặc biệt chú ý do rượu có vị ngọt nhẹ, dễ uống, vì vậy nhiều người uống “thả ga” mà không kiểm soát rất dễ bị say và ngộ độc rượu.
Sau khi chế biến rượu dâu tằm ngon xong, bạn cần biết cách bảo quản rượu sao cho dùng được thời gian lâu. Bạn lưu ý không để rượu dưới ánh nắng trực tiếp, nên để hũ rượu ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ khoảng 20 độ C là thích hợp.
Cách làm siro dâu tằm
Ngoài cách làm rượu dâu tằm thì chị em cũng có thể thử thực hiện thêm một cách khác đó là làm siro. Siro dâu tằm là một thức uống bổ dưỡng vào những ngày hè nóng bức lại vừa có công dụng giải khát. Siro dâu tằm không cần phải mua ở ngoài tiệm không bảo đảm vệ sinh mà có thể tự làm ngay tại nhà.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Dâu tằm: 1 kg
- Đường: 0,5 kg
- Bình thuỷ tinh
- Gừng
Cách thực hiện
Bước 1: Dâu tằm khi mua về ta cũng tiến hành rửa để loại bỏ bụi bẩn, cuống và là còn sót. Bạn lưu ý loại bỏ những trái dâu tằm bị dập nát, sau đó rửa 2 -3 lần cho đến khi nước rửa sạch thì tráng qua nước đun sôi để nguội, đổ ra rổ để trái dâu được khô ráo.
Bước 2: Dùng dao thái củ gừng thành lát mỏng. Cho gừng và dâu tằm vào hũ thuỷ tinh, sau đó rải một lớp đường lên trên, cứ liên tục một lớp dâu một lớp đường cho đến khi hết nguyên liệu.
Bước 3: Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miệng bình, đậy nắp. Ngâm trong 5 – 6 ngày tuỳ theo lượng dâu bạn ngâm ít hay nhiều.
Bước 4: Sau khi đường tan hết, bạn gạn phần nước để riêng, phần xác để riêng. Đun nồi nước trên bếp lửa nhỏ trong vòng 45 phút, đến khi nước dâu tằm sôi lên, sánh lại thì tắt bếp, để nguội siro rồi hãy cho vào bình thuỷ tinh, bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng được lâu.
Phần xác dâu tằm bạn có thể tận dụng để làm rượu dâu tằm bằng cách cho rượu vào ngâm trong vòng 1 tháng hoặc sên làm mứt dâu tằm. Cách sên mứt dâu tằm như sau:
Cho phần xác dâu vào nồi, bắp lên bếp, đun lửa vừa. Cho thêm một chút nước đường rồi đun đến khi hỗn hợp sánh đặc và có màu đỏ thẫm là hoàn thành xong món mứt dâu tằm. Mẹo nhỏ là khi làm mứt dâu, bạn có thể cho thêm gelatine để mứt mềm và dẻo hơn.
Mứt dâu tằm có hiệu quả rất lớn trong làm đẹp và sức khỏe. Mứt dâu tằm có tác dụng hỗ trợ giảm cân, tăng cường trí nhớ, cải thiện sức khỏe tim mạch... Bạn có thể được dùng chung với siro dâu hoặc để ăn bánh mì, làm bánh vừa thơm ngon, vừa tiện lợi.
Món siro dâu tằm ngon khi có màu đỏ sậm, pha nước sẽ ra màu đỏ tím, uống không bị chua gắt, cũng không quá ngọt khé vị đường mà chỉ thanh thanh, thơm mùi vị của gừng, khi uống với đá thì ngon tuyệt.
Cách làm rượu dâu tằm thật đơn giản phải không? Chỉ cần dành chút thời gian rảnh là bạn đã có ngay hũ rượu dâu tằm thơm lừng, dễ uống mà đặc biệt là rất tốt cho sức khỏe.
Chúc bạn thành công!