Nhập viện, suýt mất mạng vì… “sinh con thuận tự nhiên”
Hai lần sinh trước đây, chị Hương - tên nhân vật đã được thay đổi (34 tuổi, ở TP.HCM) đều sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Tuy vậy, lần sinh thứ 3 chị Hương quyết định tự sinh tại nhà vì chị cho rằng rất nhiều người mẹ đã thực hiện "sinh con thuận tự nhiên" thành công nên bản thân chị muốn trải nghiệm điều này. Chị đã tìm hiểu về phương pháp này qua các trang mạng và cho biết có được tham gia "học về sinh thuận tự nhiên".
Tuy nhiên, ở lần sinh thứ 3 này, khi em bé đã lọt phần đầu ra ngoài thì có người quen qua giúp đỡ sinh tiếp phần thân của bé. Người này đỡ sinh với hai tay được rửa bằng nước muối sinh lý và không có găng tay. Bé sơ sinh được đặt nằm cạnh mẹ cùng với dây rốn chưa cắt.
Sau khi được mẹ ruột làm vệ sinh, sản phụ mới da kề da với bé. 5 tiếng sau sinh, người nhà chị Hương gọi Trung tâm Cấp cứu 115 với mong muốn được hỗ trợ cắt rốn bé. Chị Hương được truyền dịch và chuyển vào bệnh viện Từ Dũ.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, các nhân viên y tế đã rất vất vả để thuyết phục chị Hương và thân nhân thực hiện các can thiệp y tế cho mẹ và bé như may lại vết rách tầng sinh môn, truyền dịch và chích thuốc co hồi tử cung... Sau khi được giải thích để may lại vết rách khá rộng, sản phụ đã đồng ý cho bác sĩ can thiệp với yêu cầu "không được chích thuốc tê". Chỉ sau một mũi may đầu, chị Hương mới thấy không thể chịu đau được và đồng ý cho gây tê tại chỗ.
Xét nghiệm cho thấy sản phụ bị thiếu máu nặng, nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng… nhưng sản phụ vẫn ghi giấy cam kết không sử dụng kháng sinh, không truyền máu, không truyền thuốc đề phòng đờ tử cung và chấp nhận tất cả các hậu quả.
Cuối cùng, Ban giám đốc bệnh viện đã trực tiếp thuyết phục gia đình. Chồng và mẹ sản phụ đã đồng ý cách xử lý của bệnh viện, tuy vậy bản thân chị Hương vẫn tiếp tục phản ứng vì cho rằng "bệnh viện đang dụ để lấy tiền". Tại phòng theo dõi hậu sản, chị Hương tiếp tục không đồng ý cho bác sĩ thăm khám và yêu cầu cùng với con xuất viện.
Sản phụ suýt mất mạng vì sinh con tại nhà
Hay mới đây, vào tháng 11/2023 người phụ nữ 33 tuổi ở Lạng Sơn mang thai lần 3, sinh con tại nhà, bị xuất huyết tử cung không thể cầm máu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Lúc vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, thai phụ da xanh tái, mạch không bắt được, huyết áp về không, nhịp tim nghe rời rạc... Bệnh viện báo động đỏ, chuyển thẳng người bệnh đến phòng mổ. Các bác sĩ phẫu thuật cắt tử cung bán phần để cứu sống người bệnh.
Trong phẫu thuật, người này được truyền 4 đơn vị khối hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương. Sức khỏe sản phụ sau đó dần ổn định và được xuất viện.
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, Ths. BS Phan Thu Hằng - Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Hà Nội cho biết, trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” là quan niệm phản khoa học và nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
“Việc sinh con thuận theo tự nhiên như trên mạng internet đang lan truyền đang ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người dân, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé.
Bởi lẽ những tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể cướp đi sinh mạng của mẹ và con bất cứ lúc nào nếu chúng ta sơ suất chứ chưa nói đến việc không được kiểm soát”, BS Hằng nói.
“Sinh con thuận tự nhiên” là quan niệm phản khoa học và nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong
Theo chuyên gia này, việc sinh con tại nhà không đồng nghĩa với sinh thuận tự nhiên. Sinh tại nhà không có nghĩa là tự sinh một mình mà phải có sự hỗ trợ của nữ hộ sinh (hay bà đỡ) đã được huấn luyện kỹ năng y khoa, một số ít trường hợp có sự hiện diện của bác sĩ sản khoa. Các bước tiến hành phải tuân thủ theo hướng dẫn của ngành sản khoa. Trong trường hợp không sinh thường được thì phải có các can thiệp hoặc mổ đẻ.
“Việc những người cổ súy cho sinh con thuận tự nhiên là họ chưa biết đến những ca đẻ khó. Không phải trường hợp nào đẻ cũng thuận lợi, có những trường hợp em bé quá to hay ngôi thai phức tạp, nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế thì em bé sẽ ngạt, suy thai,... Còn phía sản phụ sẽ gây sang chấn cho mẹ, rách cổ tử cung, rách âm đạo, băng huyết sau sinh, xót rau, sản giật… nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hằng cảnh báo.
Do đó, bác sĩ Hằng nhắn nhủ, quá trình mang thai, sinh đẻ, phụ nữ mang thai tuyệt đối tuân thủ theo lịch khám mà bác sĩ sản khoa yêu cầu để giảm thiểu tối đa những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mặc dù sinh đẻ là quá trình sinh lý bình thường, tuy nhiên người phụ nữ cần phải đến các trung tâm y tế để được theo dõi, quản lý và chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và thực hiện các công tác hậu sinh theo đúng quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà không có cán bộ y tế hỗ trợ, có thể dẫn đến những tai biến trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến cả sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành phố cần thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; cần phải tăng cường công tác quản lý thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và em bé.