“Sinh con thuận tự nhiên” là trào lưu sinh con tại nhà, cha mẹ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi dây rốn và bánh nhau tự hủy. Sau một thời gian lắng xuống, gần đây trào lưu này lại nở rộ trở lại.
Thậm chí, từ các thông tin phản khoa học trên mạng xã hội, nhiều sản phụ bị lầm tưởng về việc ‘tự sinh tự diệt’, bác bỏ mọi sự can thiệp của y tế để tự mình sinh con và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Trước thực trạng đó, Gia đình Việt Nam đăng tải tuyến bài viết Báo động trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” ghi lại những câu chuyện thực tế về hàng loạt hệ lụy nguy hiểm từ trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” và những chia sẻ, cảnh báo của các y, bác sĩ, chuyên gia về trào lưu đang lan tỏa một cách đáng báo động này.
Rộ trào lưu “sinh con thuận tự nhiên
Gõ cụm từ “sinh con thuận tự nhiên” hay “đẻ con tại nhà” trên Internet, chỉ trong chưa đầy 1 giây đã cho ra 135.000.000 kết quả trong đó có nhiều bài viết, video cổ súy cho trào lưu này khi cho rằng phương pháp “sinh con thuận tự nhiên” sẽ cho đứa trẻ ra đời một cách tự nhiên nhất, khỏe mạnh nhất ngay từ những năm đầu đời mà không cần bất cứ sự can thiệp của bác sĩ.
Theo họ “sinh con thuận tự nhiên” là sinh con tại nhà, không vội vàng cắt dây rốn mà chờ đợi để bánh nhau tự bong ra cùng với bào thai. Sau đó bánh nhau cùng dây rốn sẽ khô đi và rụng trong khoảng 3 - 6 ngày.
Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng việc không cắt dây rốn sẽ giúp em bé nhận được đầy đủ nhất máu và tế bào gốc từ bánh nhau. Tế bào gốc sẽ được dự trữ ở phổi và tuỷ sống trong cơ thể em bé. Mẹ sẽ giảm được nguy cơ băng huyết vì bánh nhau sẽ được bong tự nhiên không tổn thương tử cung của mẹ.
Mạng xã hội xuất hiện nhiều clip "sinh con thuận tự nhiên" thu hút lượt tương tác lớn (Ảnh chụp màn hình)
Thậm chí, họ còn cho rằng “sinh con thuận tự nhiên” giúp đứa trẻ sẽ khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn. Và theo lời khẳng định của những người cổ súy cho trào lưu này thì “sinh con thuận tự nhiên” không hề tăng bất cứ nguy cơ gì so với các phương pháp sinh khác. Sản phụ không phải là bệnh nhân, bác sĩ không có vai trò trong cuộc sinh của người mẹ, mà người mẹ làm chủ được cuộc sinh của mình.
“Việc thực hiện sinh tại các bệnh viện trong tư thế nằm trên bàn đẻ, đến việc thở còn khó nữa là rặn đẻ; là việc phản khoa học khiến tình trạng đẻ mổ gia tăng; ở nước ngoài họ cũng tự đẻ tại nhà rất nhiều và vẫn 'mẹ tròn con vuông’ đó thôi”, một tài khoản cho biết.
Để chứng minh trào lưu này là đúng đắn, nhiều clip đứa trẻ vừa sinh ra khỏe mạnh chưa cắt rốn, cùng bánh nhau đặt dưới nền nhà, trong ánh đèn lấp lánh, thậm chí có hẳn clip quay lại cảnh người mẹ trong tư thế tự rặn đẻ ở nhà, với sự trợ giúp của người chồng và con cái bên cạnh được đăng tải trên mạng xã hội.
Một tài khoản đăng lên mạng xã hội clip em bé mới được sinh ra vẫn còn giữ nguyên dây rốn (Ảnh chụp màn hình)
Xin đừng trở về thời "ăn lông, ở lỗ"
Sau khi các clip “sinh con thuận tự nhiên” được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút được đông đảo người xem, bình luận và chia sẻ.
Một số ý kiến tỏ ra hưởng ứng với việc làm này, bày tỏ ý định muốn học theo vì cho rằng nó sẽ đảm bảo sự an toàn tuyệt đối của người mẹ và đứa trẻ do “thuận theo tự nhiên”, không sử dụng thuốc. Tuy vậy, hầu hết những người còn lại đều phản đối và khẳng định việc làm ngu muội, ấu trĩ này chẳng khác nào tự sát.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - người đã trải qua 2 lần sinh nở chia sẻ, khi nghe được câu chuyện có sản phụ đã quyết định sinh tại nhà để “thuận tự nhiên” đã vô cùng lo lắng.
Theo chị, y học tiến bộ luôn có những phát minh mới cũng là để phục vụ cho việc chữa bệnh của con người, để sức khỏe mọi người được chăm sóc tốt hơn. Người xưa có câu “cửa sinh là cửa tử”, việc sinh nở có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, đội ngũ y tế sẽ góp phần làm giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của thai phụ.
“Bản thân tôi đã trải qua 2 lần sinh nở, bé đầu tiên gần đến ngày sinh mà vẫn không chịu quay đầu, còn bé thứ hai bị dây rốn cuốn 2 vòng quanh cổ, nếu không đi thăm khám, không có sự hỗ trợ của các y bác sĩ mà cứ để đẻ thuận tự nhiên thì thật nguy hiểm”, chị Ngọc chia sẻ.
2 lần sinh nở của chị Ngọc đều có sự theo dõi, hỗ trợ của các y bác sĩ (Ảnh: NVCC)
Theo chị Ngọc, mỗi lần mang thai, người phụ nữ phải đối mặt với vô số hiểm nguy, có thể mất mạng bất cứ lúc nào nên họ phải đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, theo dõi thường xuyên và xử trí nhanh chóng khi có diễn biến bất thường. Không ít phụ nữ dù đến bệnh viện để sinh con, được các nhân viên y tế chăm sóc kỹ lưỡng mà vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn, huống chi là không thăm khám.
“Vì cả tin, mê muội, một số bà mẹ đã chạy theo trào lưu “thuận theo tự nhiên”, coi con mình chẳng khác nào vật thử nghiệm. Không may xảy ra chuyện gì đáng tiếc thì thật xót xa. Tôi mong những người phụ nữ trước khi quyết định sinh con theo phương pháp nào hãy đặt sự an toàn của đứa trẻ và bản thân lên hàng đầu! Xin hãy là một bà mẹ bình thường, đừng dị thường, đừng trở về thời kỳ ăn lông, ở lỗ”, chị Ngọc nói.
Chị Ngọc hạnh phúc bên "thiên thần nhỏ" của mình sau khi "vượt cạn thành công" (Ảnh: NVCC)
Đồng quan điểm, chị Lê Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trên báo đài đã cảnh báo không ít trường hợp vì sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà mà cả sản phụ và trẻ sơ sinh phải nhập viện, thậm chí suýt mất mạng nhưng không hiểu vì sao vẫn còn nhiều người mê tín và cổ súy cho trào lưu này.
“Đành rằng, ở các nước phát triển, một số sản phụ sinh con tại nhà, trong hồ nước nhưng bên cạnh họ có bác sỹ sản khoa theo dõi chặt chẽ. Vậy mà ở nước ta, nhiều người không hiểu cách họ làm lại cứ “học đòi’ sinh con tại nhà. Thế nên mới có chuyện cả mẹ cả con đều mất mạng, bà nội dùng dao đỡ đẻ nên khiến trẻ sơ sinh bị rách da đầu”, chị Trang thở dài.