Aaron Hutcherson - cây bút chuyên viết về ẩm thực của Washington Post - tỏ ra bất ngờ khi miếng thịt bò thường được người Mỹ dùng làm món beefsteak lại được cắt nhỏ, xào với rau củ. Đơn vị tham khảo công thức làm bò lúc lắc từ cuốn sách Đặc Biệt của Nini Nguyen - nữ đầu bếp người Mỹ gốc Việt từng tham gia chương trình Top Chef năm 2018.
Tờ báo mô tả món ăn đến từ Việt Nam này được lấy cảm hứng từ ẩm thực Pháp nhưng cách chế biến khác xa so nguyên bản. Theo đó, một đĩa bò lúc lắc chuẩn thì thịt viên phải mềm ở độ chín lý tưởng. Bề mặt hơi cháy xém, săn lại và màu nâu. Bên trong thịt có màu hồng nhẹ.
Bạn cần ướp thịt trước với đường, muối và tiêu khi đưa chúng lên chảo nóng. Sau đó, những miếng thịt đã cắt nhỏ được xào chung với dưa chuột, ớt chuông, hành tây, rau xà lách xoong và nước tương.
Món ăn này cũng được dùng kèm với khoai tây chiên, tương tự beefsteak, theo Washington Post.
Trong cuốn sách tổng hợp món ăn Việt Nam của mình, Nini Nguyen cho biết những công thức nấu ăn đi theo cô suốt sự nghiệp đa phần lấy cảm hứng từ bà ngoại, mẹ và dì người Việt Nam, sinh sống tại Mỹ bằng nghề làm móng.
"Tôi muốn giữ gìn cũng như lan truyền sự đa dạng ẩm thực trong Việt Nam cho những người con xa quê tại Mỹ", tác giả nói với Washington Post.
Ngoài bò lúc lắc, một số món ăn khác của nước ta như bánh canh cua, chân gà nướng, bánh giò, bún bò Huế... cũng để lại ấn tượng đối với tờ báo hàng đầu của Mỹ.
Washington Post thường review ẩm thực Việt Nam thông qua các nhà hàng trên xứ cờ hoa và chú trọng vào việc giữ gìn hương vị nguyên bản.
Năm 2019, tờ báo nhận định bánh mì là một trong số món đại diện cho triết lý ẩm thực của Việt Nam. Đó là sự cân bằng của hỗn hợp đa dạng hương vị và nguyên liệu chính để tạo ra một khẩu phần ăn hài hòa. Ổ bánh mì ngon không nên phết quá nhiều pate và bơ.